Hãng tin Kyodo, Nhật Bản ngày 22/12 cho hay, trong hội nghị nội các cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua ngân sách năm tài khóa 2017, trong đó ngân sách quốc phòng tăng 1,4% so với năm tài khóa trước, lên đến 5.125,1 tỷ yên (khoảng 302 tỷ nhân dân tệ), tăng liên lục trong 5 năm qua, liên tục hai năm trên 5.000 tỷ yên.
Ngân sách quốc phòng Nhật Bản cũng lần đầu tiên bố trí kinh phí 14,7 tỷ yên dành cho mua sắm tên lửa đánh chặn SM-3 Block 2A (do Nhật Bản và Mỹ cùng nghiên cứu phát triển) nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, đối phó hoạt động phóng liên tục tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Mặc dù một chiếc máy bay vận tải cánh xoay nghiêng Osprey của Quân đội Mỹ đã xảy ra sự cố buộc phải hạ cánh ở duyên hải thành phố Nago, tỉnh Okinawa, nhưng Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản vẫn muốn mua sắm máy bay vận tải mới Osprey, Nhật Bản vẫn dành kinh phí 39,1 tỷ yên để mua 4 chiếc Osprey và 35 tỷ yên kinh phí về mặt kỹ thuật và chi phí huấn luyện nhân viên.
Đánh giá về Triều Tiên, Chính phủ Nhật Bản cho rằng, Triều Tiên đã trở thành "mối đe dọa trong giai đoạn mới" đối với Nhật Bản. Do đó đã bố trí 5,8 tỷ yên để cải tạo tàu chiến Aegis nhằm cải thiện năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Kinh phí cải tiến tên lửa đánh chặn đối không Patriot-3 (PCA-3) được đề nghị trong ngân sách được đưa trước vào luật ngân sách bổ sung lần thứ ba năm tài khóa 2016, là 33,1 tỷ yên.
Ngoài ra, để tăng cường phòng thủ các hòn đảo tây nam trước "mối đe dọa" Trung Quốc, Nhật Bản sẽ dành 70,7 tỷ yên cho xây dựng lực lượng cảnh giới tây nam ở đảo Miyako, tỉnh Okinawa và đảo Amami Great, tỉnh Kagoshima. Ngân sách cũng dành 72,8 tỷ yên để chế tạo một chiếc tàu ngầm mới được cải thiện về tính năng thiết bị định vị thủy âm và khả năng chạy êm.
Chính phủ Nhật Bản còn coi trọng công tác tăng cường trang bị cho căn cứ phòng vệ đảo nhỏ, bao gồm đảo Senkaku. Để thành lập mới "trung đoàn cơ động đổ bộ" phụ trách tác chiến đoạt lấy đảo nhỏ ở khu vực đóng quân Ainoura (tỉnh Nagasaki) của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, Nhật Bản đã bố trí kinh phí 8,5 tỷ yên mua sắm 11 xe bọc thép đổ bộ AAV-7.
Ngoài ra, Nhật Bản dành kinh phí mua sắm 6 máy bay chiến đấu tàng hình loại mới nhất F-35 (88 tỷ yên), 1 máy bay tiếp dầu trên không mới KC-46A (29,9 tỷ yên), 6 máy bay trực thăng vận tải cỡ lớn CH-47 (44,5 tỷ yên).
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản - lực lượng đang tăng cường cơ chế cảnh giới xung quanh đảo Senkaku cũng được bố trí 210,6 tỷ yên trong ngân sách Chính phủ, nhiều hơn khoảng 10 tỷ yên so với mức xin cấp, lập kỷ lục cao nhất trong ngân sách.
Kinh phí tăng cường cảnh giới các đảo nhỏ như đảo Senkaku và khu vực biển xa là 57,8 tỷ yên, ngoài ra sẽ còn chế tạo 1 tàu tuần tra chở trực thăng và 1 tàu tuần tra cỡ lớn.
Theo kế hoạch, số lượng tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản sẽ từ 128 chiếc vào cuối năm tài khóa 2015 tăng lên 142 chiếc vào cuối năm tài khóa 2020.
Tháng 4/2016, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã xây dựng "thể chế chuyên trách Senkaku", đồng thời điều lực lượng chi viện trên toàn quốc vào bất cứ lúc nào.
Để tăng cường thể chế này, trong biên chế của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản trong năm tài khóa 2016 sẽ tăng 104 người, năm tài khóa 2017 sẽ tăng thêm 118 người, đạt 13.744 người.
Hội nghị bảo đảm an ninh quốc gia (9 người) do Chính phủ Nhật Bản tổ chức ngày 22/12 đã xác định phương châm sử dụng vũ khí để bảo vệ tàu chiến Mỹ. Đây là nhiệm vụ mới dựa trên Luật An ninh mới, Nhật Bản nỗ lực tiến hành hợp tác với Mỹ trong hoạt động cảnh giới, giám sát đối với việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo. Nhiệm vụ mới đã bắt đầu triển khai từ ngày 22/12/2016.
Ngày 12/12, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (đang triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng) bắt đầu có thể căn cứ vào Luật An ninh để thực hiện các nhiệm vụ mới khác như "tiếp viện, bảo vệ". Theo đó, nhiệm vụ ở nước ngoài của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chào đón giai đoạn “mở rộng toàn diện”.
Trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã nhấn mạnh ý nghĩa cho biết: "Khả năng răn đe, khả năng ứng phó của đồng minh Nhật - Mỹ sẽ tiếp tục được tăng cường, có khả năng hơn trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh của Nhật Bản".
Trước khi thực hiện Luật An ninh, tình hình sử dụng vũ khí chỉ giới hạn khi Lực Lượng phòng vệ bị tấn công, nhưng sau khi thực hiện Luật An ninh thì đối tượng bảo vệ có sử dụng vũ khí sẽ mở rộng đến quân đội các nước khác.
Điều cân nhắc hiện nay của Chính phủ Nhật Bản là áp dụng cho Quân đội Mỹ và Australia, những quan hệ hợp tác an ninh tương đối có chiều sâu.
Tình hình áp dụng còn bao gồm thu thập tin tức tình báo liên quan đến hoạt động phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, những hoạt động vận chuyển và tiếp tế trong các "trường hợp ảnh hưởng quan trọng" (gây ảnh hưởng quan trọng đến hòa bình và an ninh của Nhật Bản) và huấn luyện liên hợp với nước khác.
Khả năng thực hiện sẽ cơ bản do Bộ trưởng Quốc phòng tiến hành phán đoán. Trong những "tình huống nhất định" như khi Quân đội Mỹ lần đầu tiên yêu cầu bảo vệ, nước đề nghị yêu cầu tiến hành bảo vệ ở nước thứ ba..., trước khi Bộ trưởng Quốc phòng phán đoán thì NSC sẽ tiến hành xem xét.
Trong quá trình tiến hành bảo vệ bằng vũ khí, nếu xảy ra "tình huống rất đặc biệt", sẽ nhanh chóng công bố thông tin. Khi thực hiện ứng phó những "trường hợp ảnh hưởng quan trọng", sẽ xác định kế hoạch cơ bản rồi tiến hành công bố.
Việc bảo vệ bằng vũ khí chính là chỉ nhiệm vụ bảo vệ đạn được, tàu thuyền và máy bay của binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Trong phạm vi được phán đoán là hợp lý, cho phép binh sĩ Nhật Bản sử dụng vũ khí, nhưng nếu không đáp ứng các điều kiện như phòng vệ chính đáng, sơ tán khẩn cấp thì không thể gây hại cho đối phương.
Luật Lực lượng Phòng vệ sửa đổi quy định, không chỉ là trang bị của Lực lượng Phòng vệ, Quân đội Mỹ (triển khai hoạt động hợp tác với Lực lường phòng vệ trong thời bình) nếu tiến hành các "hoạt động có lợi cho phòng vệ của Nhật Bản", có thể tiến hành bảo vệ cho họ bằng vũ khí. Ý tưởng của Nhật Bản là cảnh giới với các tình huống như Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo.