Giải mã lý do Trung Quốc đột ngột ra tay "phong sát" minh tinh Triệu Vy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi nghệ sĩ nổi tiếng Triệu Vy đột ngột bị “phong sát” vào tối ngày 26/8; mấy ngày nay, trong khi thế giới bên ngoài chưa hết bàn tán xôn xao thì những việc làm của cô trong quá khứ cũng bị đào xới lại.
Triệu Vy, nghệ sĩ nổi tiếng Trung Quốc bị đột ngột phong sát 26/8 (Ảnh: Chinatimes).
Triệu Vy, nghệ sĩ nổi tiếng Trung Quốc bị đột ngột phong sát 26/8 (Ảnh: Chinatimes).

Ngày 13/8/2021, nghệ sĩ Trương Triết Hạn của công ty Triệu Vy đã bị “phong sát” (cấm và chặn hoàn toàn trên mạng và trên truyền thông) sau khi bị đào xới lại vụ anh ta tham dự đám cưới của một người bạn tại đền Nogi và chụp ảnh tại đền Yasukuni (nơi thờ cúng các tội phạm chiến tranh Nhật Bản trong Thế chiến II) từ nhiều năm trước; sự kiện Triệu Vy mặc váy in hình quân kỳ Nhật và một số vụ việc gây tranh cãi trước đây cũng được đào lại.

Ngày 15/8, kỷ niệm 76 năm ngày Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến thứ hai, trên trang Weibo Triệu Vy và công ty của cô đã đăng lại tin tức của CCTV, nhưng họ vẫn bị cư dân mạng "ném đá" tơi tả. Tạp chí "ELLE" đã hủy bỏ trang bìa in hình Triệu Vy; Fendi đã hủy bỏ hợp đồng Triệu Vy là người đại diện của họ.

Bức ảnh Triệu Vy mặc váy in hình quân kỳ Nhật 2001 nay lại bị đào lại (Ảnh: chinatimes).

Bức ảnh Triệu Vy mặc váy in hình quân kỳ Nhật 2001 nay lại bị đào lại (Ảnh: chinatimes).

Ngày 21/8, Chu Giang Dũng, Bí thư Thành ủy Hàng Châu, người có quan hệ mật thiết với Tập đoàn Alibaba bị điều tra về tội tham nhũng. Tối ngày 26/8, nhiều tác phẩm của Triệu Vy đã bị xóa khỏi tất cả các nền tảng lớn, và tên của cô biến mất khỏi danh sách diễn viên trong các tác phẩm điện ảnh và truyền hình mà cô đóng vai chính, Weibo Siêu Thoại bị chặn. Khi tìm kiếm Triệu Vy trên nền tảng video iQiyi đều cho kết quả là "Do quy định pháp luật và chính sách có liên quan, một số kết quả không được hiển thị".

Các chủ đề liên quan nhanh chóng trở thành tiêu điểm tìm kiếm nóng trong ngày. Từ ngày 27/8, nhiều mục liên quan trên Baidu Baike đã xóa các nội dung liên quan đến Triệu Vy. Ngày 28/8, bài đưa lên diễn đàn Triệu Vy ở Baidu Tieba không thể đăng được nữa. Một số nghệ sĩ cũng đã xóa nội dung liên quan đến Triệu Vy trên Weibo của họ. Ngày 29/8, Triệu Vy đã đăng một bài đăng trên Instagram khẳng định cô đang ở cùng bố mẹ ở Bắc Kinh, bác bỏ tin đồn cô bỏ trốn sang Pháp và đã mất liên lạc, nhưng cô không giải thích về việc mình bị phong sát, nhưng thông tin này đã nhanh chóng bị xóa.

Cho đến nay, nhà chức trách Trung Quốc vẫn chưa nói rõ nguyên nhân Triệu Vy bị phong sát; Weibo của Triệu Vy và công ty cũng không bị xóa hay bị cấm như các nghệ sĩ khác bị tẩy chay và cấm trong cùng thời gian.

Triệu Vy và chồng Hoàng Hữu Long (Ảnh: chinatimes).

Triệu Vy và chồng Hoàng Hữu Long (Ảnh: chinatimes).

Tuy nhiên, mục đích của Bắc Kinh không chỉ là cá nhân Triệu Vy, mà là một số khía cạnh mà họ muốn chấn chỉnh. Triệu Vy là một đại diện có tính điển hình mạnh mẽ, và cô là cách dễ dàng nhất để người dân Trung Quốc hiểu được sự kết hợp của việc Bắc Kinh chỉnh đốn về mọi mặt: tư bản (tiền vốn), truyền thông, mạng Internet và dư luận thông qua nhân vật có tính biểu tượng là Triệu Vy.

Cuộc tranh cãi về hành vi trong quá khứ của Triệu Vy đã được mọi người biết đến, thế giới bên ngoài chỉ không hiểu tại sao Trung Quốc lại ra tay vào thời điểm này. Nhưng xét từ mục đích của Bắc Kinh về việc chấn chỉnh mọi mặt: tư bản (tiền vốn), truyền thông, mạng Internet và dư luận, thì đã đến lúc không thể trì hoãn được nữa. Bởi vì các nhà tư bản đã chiếm được quyền kiểm soát của chính phủ đối với các cơ quan truyền thông và thao túng việc hình thành và thể hiện dư luận mạng. Trung Quốc cho rằng, những người nổi tiếng kết hợp với tư bản đã trở thành nhân vật có vai trò “hô phong hoán vũ” trên Internet, và trận địa dư luận đã trở thành lĩnh vực để những kẻ kiểm soát vốn cướp đoạt thành quả kinh tế và tạo nên sự bình thường hóa việc tranh đoạt này.

Triệu Vy và ông chủ Tập đoàn Alibaba Mã Vân (Ảnh: chinatimes).

Triệu Vy và ông chủ Tập đoàn Alibaba Mã Vân (Ảnh: chinatimes).

Ngay từ khi Triệu Vy bắt đầu đóng phim và kinh doanh, cô đã gây nhiều vụ việc xôn xao dư luận. Điển hình là sự kiện nổi tiếng "Diễn viên Đài Loan độc lập" năm 2016. Không chỉ phớt lờ phản ứng của cư dân mạng, cô còn lần lượt đăng ảnh chụp chung với nam diễn viên Đài Loan Đới Lập Nhẫn, dường như khiêu khích cư dân mạng. Khi bị cư dân mạng kêu gọi tẩy chay, cô còn dọa kiện tất cả ra tòa.

Khi cư dân mạng tiếp tục khai thác hồ sơ đen của Triệu Vy và bạn bè của cô và phanh phui trên mạng, chẳng hạn như sự kiện Triệu Vy mặc quân kỳ Nhật, việc Vạn Huệ bị Triệu Vy bức hại, v.v., nhưng các bài đăng liên quan đã bị Weibo xóa ngay lập tức, khi cư dân mạng chuyển sang các nền tảng trực tuyến khác, vẫn bị lực lượng ngầm trên mạng liên tục “oanh tạc” để rửa mặt cho Triệu Vy. Vào thời điểm đó, rất nhiều cư dân mạng hay người nổi tiếng phản đối Triệu Vy đều bị cấm, không chỉ Sina Weibo mà Alibaba chiếm tỷ lệ cổ phần lớn, mà Baidu và các trang web khác cũng tham gia vào “Team Triệu Vy”.

Khả năng và hiệu quả kiểm soát dư luận thông qua tư bản này đã khiến các cơ quan chính quyền bức xúc, cuối cùng Team Triệu Vy còn xóa bỏ ngay cả trang weibo của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc chịu trách nhiệm về công tác thanh niên, buộc Trung ương Cộng sản Đảng Trung Quốc và Ủy ban Công tác của các Cơ quan Nhà nước phải ra tay hỗ trợ mới kích hoạt lại được trang Weibo của Trung ương Đoàn.

Trang Weibo của Trung ương Đoàn TNCS Trung Quốc vì đăng bài phê phán Triệu Vy và diễn viên Đài Loan Đới Lập Nhẫn hợp tác làm phim "Tình yêu không từ biệt" đã bị đóng, sau phải nhờ cơ quan trung ương can thiệp mới được mở lại (Ảnh: Dwnews).

Trang Weibo của Trung ương Đoàn TNCS Trung Quốc vì đăng bài phê phán Triệu Vy và diễn viên Đài Loan Đới Lập Nhẫn hợp tác làm phim "Tình yêu không từ biệt" đã bị đóng, sau phải nhờ cơ quan trung ương can thiệp mới được mở lại (Ảnh: Dwnews).

Truyền thông do Tập đoàn Alibaba nắm cổ phần đã đăng tải bài "Còn ai bị lòng yêu nước bắt cóc ngoài Triệu Vy nữa không?", được nhiều cơ quan truyền thông mạng và các nền tảng xã hội đăng lại nhằm đảo ngược dư luận về vụ việc Triệu Vy thành Triệu Vy bị bạo lực mạng. Vào thời điểm này, đã xảy ra một số vụ đập vỡ điện thoại Apple và đuổi đánh những người mang giày thể thao nước ngoài. Một số cơ quan truyền thông thuộc quyền kiểm soát của Alibaba và trang mạng đã nhân đó kích động các nhân vật nổi tiếng trên mạng tiến hành phê phán, gọi những hành động nhân danh lòng yêu nước đó là bạo lực mạng và chụp mũ cho họ là Hồng vệ binh.

Sự việc này đã phát triển thành một vấn đề không còn là "diễn viên có xu hướng Đài Loan độc lập", mà chuyển hóa thành vấn đề cạnh tranh giữa nền tảng dư luận mạng truyền thông do tư bản kiểm soát và nền tảng dư luận mạng truyền thông do chính quyền Trung Quốc kiểm soát. Trước đó, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đã đăng trên Weibo: “Nếu các cơ quan truyền thông bị các thế lực nước ngoài kiểm soát, đó là triệu chứng báo trước của sự mất nước”. Tuy nhiên, bài báo này lập tức bị thế lực tư bản kiểm soát Weibo xóa ngay sau khi nó được đăng.

Nữ diễn viên Trịnh Sảng bị phạt gần 300 triệu NDT (gần 47 triệu USD) vì trốn thuế (Ảnh: Dwnews).

Nữ diễn viên Trịnh Sảng bị phạt gần 300 triệu NDT (gần 47 triệu USD) vì trốn thuế (Ảnh: Dwnews).

Đánh giá về sự phát triển của chuỗi sự kiện này, Triệu Vy bị coi là có vấn đề về lập trường “thân Nhật”, có vấn đề chính trị ủng hộ diễn viên Đài Loan độc lập, còn kết hợp quyền lực tư bản để thao túng nền tảng dư luận truyền thông, sử dụng danh tiếng cao và khả năng thao túng truyền thông của cô để thay đổi vấn đề quan niệm giá trị của xã hội Trung Quốc.

Hơn nữa, Triệu Vy trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình còn nói nửa đùa nửa thật rằng cô đã "giết người", nói rằng "giết người" có thể không cần thiết, nhưng tội danh "bức người khác chết" có thể khó rửa sạch. Những điểm trên là lý do tại sao Trung Quốc chỉnh đốn truyền thông và dư luận mạng phải được bắt đầu bằng việc ra tay với Triệu Vy.

Về lý do vì sao Trung Quốc ra tay vào thời điểm này, có thể có liên quan đến hai sự việc: gần đây nhất là sự hỗn loạn do các “nghệ sĩ xấu” Trịnh Sảng và Ngô Diệc Phàm gây ra, nhân đây để hợp pháp hóa việc chấn chỉnh giới điện ảnh, hí kịch, nghệ thuật và văn học, đặc biệt là giới nghệ sĩ biểu diễn vốn gây nhiều tranh cãi.

Trương Triết Hạn, diễn viên thuộc công ty của Triệu Vy bị coi là "phần tử thân Nhật" (Ảnh: Dwnews).

Trương Triết Hạn, diễn viên thuộc công ty của Triệu Vy bị coi là "phần tử thân Nhật" (Ảnh: Dwnews).

Xa hơn trước đó là việc hủy IPO của tập đoàn Ant Financial. Việc Tập đoàn Alibaba thao túng các nền tảng Internet và Weibo đã diễn ra từ mấy năm trước. Mối đe dọa tư bản kiểm soát truyền thông và dư luận mạng đã định hình, nếu hệ thống Alibaba được mở rộng sang thao túng thị trường tài chính sẽ gây nên hậu quả khôn lường hơn nữa. Theo như nhận định của nhiều người thì việc IPO của Ant Financial bị chặn vào phút chót là điều khó tránh khỏi.

Tất nhiên, Bắc Kinh đã đưa ra nhận định rằng họ phải đề phòng tư bản kiểm soát các cơ quan truyền thông và dư luận mạng, và những thay đổi lớn hơn về môi trường cũng thúc giục các nhà chức trách phải nhanh chóng ra tay hành động.

Như mọi người đều biết, sự thay đổi lớn nhất của tình hình quốc tế trong những năm gần đây là sự xấu đi nhanh chóng của quan hệ Trung-Mỹ. Trước những mối đe dọa về chính trị, kinh tế và xã hội do sự suy thoái liên tục của quan hệ Trung – Mỹ, cần phải quản chắc xu hướng tư bản và trận địa truyền thông dư luận để tránh chúng trở thành mối họa bên trong khi cuộc đấu với Mỹ ngày càng gay gắt. Có lẽ Bắc Kinh đã nhìn thấy trước tình hình khó khăn kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch và những cú sốc kinh tế và xã hội có thể xảy ra do mối quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi, nên họ đã có một động thái mạnh mẽ bất ngờ để chấn chỉnh nội bộ. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sự kiện này hẳn nhiều người đã biết.

Triệu Vy trong vai Tiểu Yến Tử trong phim "Hoàn Châu cách cách", bộ phim làm nên tên tuổi cô năm 1998 (Ảnh: sina).

Triệu Vy trong vai Tiểu Yến Tử trong phim "Hoàn Châu cách cách", bộ phim làm nên tên tuổi cô năm 1998 (Ảnh: sina).

Triệu Vy sinh năm 1976, nữ diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất phim, ca sĩ và cổ đông lớn thứ hai của Alibaba Pictures, ra mắt làng giải trí Trung Quốc vào năm 1994; năm 1998 đóng vai chính trong bộ phim truyền hình cổ trang “Hoàn Châu cách cách” rồi nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Ngoài việc đoạt giải Ảnh hậu và Đạo diễn xuất sắc nhất Bách Hoa của tạp chí Điện ảnh Đại chúng, Triệu Vy còn giành được Giải thưởng Kim Tước của Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải, Giải thưởng Hoa Biểu và Giải thưởng Kim Ưng của Truyền hình Trung Quốc dành cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong các giải thưởng điện ảnh và truyền hình quốc gia.

Năm 2014, sau khi bộ phim “Gửi Thanh xuân sắp mất của chúng ta” tác phẩm đầu tay của đạo diễn Triệu Vy giành được Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 33 cho Phim Trung Quốc xuyên eo biển hay nhất; Triệu Vy đã lọt vào danh sách nữ vai chính hay nhất tham dự Giải Kim Mã lần thứ 51 với bộ phim "Thân yêu" của Trần Khả Hân và đã giành được Giải thưởng Kim Tượng của Liên hoan phim Hồng Kông lần thứ 34 cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.

Cuối tháng 8 năm 2021, hầu hết các tác phẩm điện ảnh và truyền hình của Triệu Vy đều bị loại khỏi nhiều nền tảng tại Trung Quốc hoặc tên cô bị loại khỏi danh sách diễn viên đóng vai trong các bộ phim, trang Weibo Siêu Thoại bị chặn. lý do không được chính quyền công bố.