Các bức tượng đều có "sinh lực"
Người Ai Cập cổ đại điêu khắc vô số bức tượng về các pharaoh, nhân vật tôn giáo và người giàu. Các bức tượng này đều có một điểm chung là chiếc mũi vỡ. Điều này rất phổ biến và người ta đặt câu hỏi đây là tai nạn hay có nguyên nhân nào sâu xa hơn.
Theo tờ VNE, bà Adela Oppenheim - Quản lý Phòng Nghệ thuật Ai Cập thuộc Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (Mỹ), cho biết người Ai Cập cổ đại tin rằng tượng có "sinh lực". Người Ai Cập cổ đại không thực sự cho rằng các bức tượng sẽ đứng dậy và cử động vì chúng được làm từ đá, kim loại hoặc gỗ. Họ cũng biết rằng tượng không hít thở không khí, tuy nhiên, các bức tượng có sinh lực và sinh lực đi qua mũi, đường thở của con người.
Việc thực hiện nghi lễ cho tượng rất phổ biến vào thời Ai Cập cổ đại, trong đó có nghi lễ "mở miệng". Người xưa sẽ bôi dầu và tiến hành một số bước khác để bức tượng có thể "ăn uống và thở", trao cho bức tượng sức sống và quyền năng.
Kẻ phá hoại là ai?
Nếu quân địch hoặc những kẻ phá hoại muốn vô hiệu hóa một bức tượng, cách tốt nhất là phá hủy phần mũi.
Những kẻ đối nghịch luôn thôi thúc dập tắt sức mạnh này. Người trộm cắp, phá dỡ, cải tạo hoặc làm hư hại đền thờ, lăng mộ,... cho rằng tượng có thể gây hại cho họ bằng cách nào đó. Đôi khi những kẻ phá hoại không chỉ dừng lại chỉ ở mũi, họ cũng phá khuôn mặt, tay hoặc chân để vô hiệu hóa sức mạnh linh thiêng.
Những tên trộm lấy đi vật phẩm quý giá của các bức tượng, lo sợ sẽ bị các linh hồn trả thù nên đã đập vỡ mũi để các linh hồn chết đi. Ảnh: Internet
|
Theo tờ Nhịp sống việt, ông Edward Bleiberg - Quản lý Phòng trưng bày nghệ thuật Ai Cập của Bảo tàng Brooklyn (Mỹ), cho biết những tên trộm muốn lấy đi những vật phẩm quý giá của các bức tượng nhưng cũng lo sợ sẽ bị các linh hồn trả thù và thánh thần trừng phạt nên đã đập vỡ mũi để các linh hồn không thở được rồi chết đi.
Ông Bleiberg cung cho biết thêm, người Ai Cập phá hủy mũi của các bức tượng và bức phù điêu có thể bắt nguồn từ hành động đốt tượng sáp của các pharaoh. Các pharaoh Ai Cập từng dựng tượng sáp của những binh sĩ hay gây gổ dưới quyền và đốt đi nhằm đe dọa trừng phạt ai làm tổn thương đồng bào mình.
Trong một vài trường hợp, tượng đổ một cách tự nhiên, khiến phần mũi nhô ra bị vỡ; gió và mưa cũng làm mòn và hỏng một số mũi tượng.
Một số nhà khảo cổ học cho rằng hiện tượng xói mòn có thể là một trong những lý do khiến nhiều bức tượng cổ bị hỏng mũi. Những cơn gió khắc nghiệt, những vũng bùn và đống cát, dòng nước chảy, sức mạnh của thời gian khiến các bức tượng làm từ đá hoặc đá cẩm thạch bị tác động. Vậy nên các phần chân, tay hoặc mũi bị hư hại nhiều nhất và cuối cùng là biến mất.