Ngoài việc giúp cho cha mẹ có khoảng thời gian nghỉ ngơi cần thiết trong quá trình chăm sóc con cái, hoạt động ngủ trưa được biết đến là có thể giảm bớt các vấn đề về tâm trạng và hành vi ở trẻ. Nghiên cứu mới đây cung cấp một cái nhìn chính xác hơn về những lợi ích này, đi sâu vào các tác động tích cực tiềm ẩn khi trẻ được ngủ trưa. Những đứa trẻ tham gia vào nghiên cứu này đều học lớp 4, lớp 5 và lớp 6 với độ tuổi từ 10 đến 12 tuổi.
Theo nghiên cứu, những đứa trẻ ngủ trưa ít nhất ba lần mỗi tuần trong thời gian từ 30 đến 60 phút đã thu được những kết quả khả quan hơn về thành tích học tập khi chỉ số cải thiện tăng tới 7,6%. Đồng thời, tâm trạng của trẻ cũng được chuyển biến tích cực, bao gồm khả năng tự kiểm soát tốt hơn, mức độ hạnh phúc cao hơn. Đồng thời, các vấn đề về hành vi có dấu hiệu đi xuống.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu ghi nhận chỉ số IQ cao hơn ở trẻ ngủ trưa nhiều lần mỗi tuần; bài phân tích còn cho thấy sự khác biệt được thể hiện rõ rệt nhất ở trẻ đang học lớp 6. Ngược lại, tình trạng ngủ không đủ giấc từ trước đến nay luôn liên kết với nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm chứng khó tập trung, tăng nguy cơ trầm cảm, các vấn đề về hành vi và hơn thế nữa.
Các kết quả này đã chỉ ra những lợi ích có thể đạt được nếu trẻ được phép có những bữa ngủ ngắn vào buổi trưa. Mặc dù một số quốc gia khuyến khích việc ngủ trưa ở trẻ vị thành niên, chẳng hạn như trẻ 10 và 12 tuổi trong nghiên cứu này, những nước khác về mặt xã hội lại xem ngủ trưa là một hoạt động chỉ dành cho trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ, và điều đó về sau này có thể gây ra các tác hại cho trẻ.
Theo Tạp chí Diễn đàn đầu tư
https://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/2838244/giac-ngu-trua-co-kha-nang-cai-thien-iq-tam-trang-va-hanh-vi-cua-tre-thanh-nien