Chốt phiên giao dịch Thứ Năm (ngày 07/07), giá vàng giao tháng Tám trên sàn Comex tại Sở giao dịch New York Mercantile đảo chiều trôi thấp $5 (-0,4%) xuống đóng cửa ở $1.362,10/oz, sau khi đã đoạt đỉnh kể từ tháng 3/2014, theo số liệu của FactSet, ở $1.367,10/oz.
Tương tự, giá bạc giao Tháng Chín cũng trôi 36,5 cents (-1,8%) xuống chốt ở $19,838/oz, sau khi đã đoạt đỉnh hai năm ở $20,203/oz vào hôm Thứ Tư.
Còn trên phương thức giao dịch điện tử, tính đến thời điểm 9h46’ sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay Comex đang đứng ở $1.355,25/oz.
Cùng lúc, tại thị trường châu Á, giá vàng miếng giao ngay trên sàn Kitco lại được yết ở $1.355,70/oz.
Về diễn biến thị trường, đà giảm của giá vàng đã xuất hiện sau số liệu kinh tế Mỹ khởi sắc khiến thị trường đặt câu hỏi về lộ trình nâng lãi suất của Cục dự trữ liên bang (Fed). Giá vàng cũng đứt mạch 6 phiên tăng liên tiếp.
Hoạt động tuyển dụng trong lĩnh vực tư nhân của Mỹ cải thiện trong tháng Sáu, theo số liệu của ADP. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệm giảm xuống đáy 3 tháng tại 254.000 đơn.
Cả thị trường đang theo dõi báo cáo việc làm sẽ được công bố vào thứ Sáu để tìm manh mối về lộ trình tăng lãi suất của Mỹ.
Biên bản họp Fed với giọng điệu “chủ hòa” cho thấy quan chức Ngân hàng Trung ương có thể giữ lãi suất ở mức thấp theo một thời gian, điều đã hỗ trợ giá vàng.
Chỉ số ICE Dollar đo tỷ giá của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ tăng 0,3% cũng gia tăng sức ép lên giá kim loại quý.
Bất chấp phiên thứ Năm sa sút, giá vàng vẫn được dự đoán sẽ tăng do bất ổn hậu Brexit.
Ông Joe Wickwire, quản lý quỹ Fidelity Global Commodity Stock cho rằng giá vàng đã giảm quá sâu vì Fed trong năm nay, ông cho rằng triển vọng lãi suất tăng, nhu cầu vàng thỏi đi lê, hoạt động của các mỏ vàng giảm trong 3 năm tới sẽ là các yếu tố trợ giá vàng thỏi.
Trong khi đó, các nhà phân tích tại trang The 7:00’s Report cho rằng mốc hỗ trợ quan trọng ban đầu của giá vàng ở thời điểm này là 1.300USD/oz, và trong dài hạn là 1.200USD/oz.
Mục tiêu sắp tới là 1.400USD/oz, và mục tiêu dài hạn vào khoảng giữa năm 2017 là giữa 1.500 – 1.550USD/oz.
Trong một diễn biến khác, dự trữ vàng của Trung Quốc tính đến cuối tháng 6/2016 tăng lên 58,62 triệu ounce so với 58,14 triệu ounce trong tháng 5.
Còn tại thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch sáng nay (Thứ Sáu ngày 8/7), giá vàng SJC tiếp tục hạ nhiệt.
Cụ thể, đến thời điểm 9h50’ sáng nay, giá vàng miếng SJC của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang đứng ở 36,05 – 36,65 triệu đồng/lượng (MV-BR), giảm 450 nghìn đồng chiều mua nhưng lại tăng 150 nghìn đồng chiều bán so với chốt phiên trước đó.
Tương tự, tại các đại lý của Doji, giá vàng miếng SJC cũng được Tập đoàn điều chỉnh giảm mạnh 700 nghìn đồng chiều bán và 600 nghìn đồng chiều mua về yết ở 36,15 – 36,55 triệu đồng/lượng (MV-BR) đối với giao dịch lẻ; và đắt hơn 10 nghìn đồng chiều mua, đồng thời rẻ hơn 10 nghìn đồng chiều bán đối với giao dịch buôn ở thị trường Hà Nội. Hiện, doãng chênh lệch 2 chiều mua - bán ở Doji là 400 nghìn đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đang được chào giá ở mức 36,10 – 36,45 triệu đồng/lượng (MV-BR). Trong khi, giá nhẫn tròn trơn loại Rồng vàng Thăng Long lại được yết ở 35,91 – 36,36 triệu đồng/lượng (MV-BR).
Còn chênh lệch nội – ngoại, quy đối theo tỷ giá hối đoái USD/VND mà ngân hàng Vietcombank đang niêm yết, tính ra giá vàng trong nước và thế giới hiện gần như “ngang cơ” (chưa tính thuế và chi phí gia công).
X.T