Do có sự chênh lệch múi giờ, nên hiện tại các sàn giao dịch vàng khu vực Bắc Mỹ vẫn đang trong kỳ nghỉ cuối tuần và chưa chính thức trở lại giao dịch.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (Thứ Sáu ngày 12/08), giá vàng giao tháng Mười hai trên sàn Comex tại Sở giao dịch New York Mercantile rơi $6,80 (-0,5%) xuống đóng cửa ở $1.343,20/oz, dù trước đó đã có thời điểm giá vàng chạm ngưỡng $1.362,50/oz. Tính chung cả tuần, vàng mất giá 0,09% - theo số liệu của FactSet.
Tương tự, giá bạc giao Tháng Chín cũng rơi 31,7 cents (-1,6%) xuống chốt ở $19,703/oz – tương ứng trượt 0,6% trong tuần.
Còn trên phương thức giao dịch điện tử, tính đến thời điểm 10h00’ sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay Comex đang đứng ở $1.339,28/oz.
Cùng lúc, tại thị trường châu Á, giá vàng miếng giao ngay trên sàn Kitco lại được yết ở $1.338,20/oz.
Tuy nhiên, dự báo về diễn biến giá vàng tuần này trong cuộc khảo sát của Kitco News, cả giới đầu phân tích lẫn các nhà đầu tư vẫn tỏ ra khá lạc quan.
Tuần tới, thị trường sẽ đón nhận nhiều số liệu kinh tế Mỹ, đáng kể là biên bản họp chính sách tháng 7 của Fed. Simona Gambarini, nhà kinh tế học hàng hóa tại Capital Economics, cho rằng, giá vàng tuần tới có thể tăng nếu biên bản họp Fed cho thấy Ngân hàng trung ương Mỹ vẫn lưỡng lự trong việc nâng lãi suất trong năm nay.
Bill Baruch, nhà môi giới hàng hóa tại iiTrader.com, đồng ý rằng số liệu kinh tế ảm đạm có thể là yếu tố giúp giá vàng vượt các ngưỡng kháng cự, tiến sát mốc 1.400 USD/ounce. Giá vàng đang chờ xem liệu chỉ số đôla có phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 95 điểm hay không và điều này có thể xảy ra nếu số liệu kinh tế đáng thất vọng hơn trì hoãn việc nâng lãi suất.
Colin Cieszynski, chiến lược gia thị trường tại CMC Markets, tỏ ra rất lạc quan về giá vàng nhưng cũng sẽ theo dõi sát sao diễn biến của USD vì đây sẽ là yếu tố điều hướng giá vàng trong ngắn hạn.
Theo ông Cieszynski, Fed có thể nâng lãi suất 1 lần trong năm nay, song điều này sẽ không giúp đồng bạc xanh trong ngắn hạn.
Cieszynski cho rằng giá vàng cần phá vỡ mốc 1.375 USD/ounce để bắt đầu xu hướng tăng giá mới. Trong khi đó, ông Baruch lưu ý rằng giá vàng cần vượt mốc 1.377,5 USD/ounce để thu hút thêm người mua mới tham gia thị trường.
Bên cạnh biên bản họp Fed tháng 7, thị trường vàng tuần tới cũng sẽ dõi theo Chỉ số Giá tiêu dùng tháng 7 của Mỹ và số liệu sản xuất vùng. Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard sẽ có bài phát biểu vào tuần tới về nền kinh tế Mỹ và chính sách tiền tệ - có thể tác động đến kỳ vọng của thị trường.
Tại thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch đầu tuần (Thứ Hai ngày 15/8), giá vàng SJC đang khẽ nhích.
Cụ thể, đến thời điểm 10h09’ sáng nay, giá vàng miếng SJC của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang đứng ở 36,43 – 36,68 triệu đồng/lượng (MV-BR), tăng 50 nghìn đồng chiều mua và 30 nghìn đồng chiều bán so với chốt phiên trước đó.
Tương tự, tại các đại lý của Doji, giá vàng miếng SJC cũng được Tập đoàn điều chỉnh tăng 20 nghìn đồng chiều mua và 30 nghìn đồng chiều bán lên yết ở 36,56 – 36,63 triệu đồng/lượng (MV-BR) đối với giao dịch lẻ; và đắt hơn 10 nghìn đồng chiều mua, đồng thời rẻ hơn 10 nghìn đồng chiều bán đối với giao dịch buôn ở thị trường Hà Nội. Hiện, doãng chênh lệch 2 chiều mua - bán ở Doji là 70 nghìn đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đang được chào giá ở mức 36,57 – 36,62 triệu đồng/lượng (MV-BR). Trong khi, giá nhẫn tròn trơn loại Rồng vàng Thăng Long lại được yết ở 36,01 – 36,46 triệu đồng/lượng (MV-BR).
Còn chênh lệch nội – ngoại, quy đổi theo tỷ giá hối đoái USD/VND mà ngân hàng Vietcombank đang niêm yết, tính ra giá vàng trong nước hiện đang nhỉnh hơn thế giới khoảng 570 nghìn đồng mỗi lượng (chưa tính thuế và chi phí gia công).
X.T