Chốt phiên giao dịch cuối tuần (Thứ Sáu ngày 05/08), giá vàng giao tháng Mười hai trên sàn Comex tại Sở giao dịch New York Mercantile trượt $23 (-1,7%) – mạnh nhất kể từ ngày 24/5 - xuống đóng cửa ở $1.344,40/oz, tưng ứng giảm 1,3% trong cả tuần.
Tương tự, giá bạc giao Tháng Chín giảm 3,1% xuống chốt ở $19,817/oz, ghi nhận mức giảm 2,6% trong cả tuần – theo số liệu của FactSet.
Còn trên phương thức giao dịch điện tử, tính đến thời điểm 9h06’ sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay Comex đang đứng ở $1.336,29/oz.
Cùng lúc, tại thị trường châu Á, giá vàng miếng giao ngay trên sàn Kitco lại được yết ở $1.335,40/oz.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 7, số việc làm phi nông nghiệp của nước này tăng thêm 255.000 việc làm, cao hơn so với dự đoán tăng 180.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 không đổi ở 4,9% khi ngày càng nhiều người tham gia vào thị trường lao động.
USD tăng 0,4% so với các đồng tiền trong giỏ tiền tệ trong khi thị trường chứng khoán toàn cầu cũng tăng điểm.
Chứng khoán Mỹ cũng tăng điểm sau báo cáo, cho thấy các nhà đầu tư đang ưa chuộng tài sản rủi ro hơn là tài sản phòng thủ.
Giới đầu tư sẽ theo dõi biến động về lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Lợi tức trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm phiên 5/8 đã tăng lên 1,587%.
Các tín hiệu kinh tế khởi sắc tạo điều kiện cho Cục dự trữ liên bang (Fed) nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách sắp tới vào tháng 12. Trong một báo cáo mới phát hành, Deutsche Bank đã dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất trong năm.
Chuyên gia tại Insignia Consultants cho rằng mốc hỗ trợ kỹ thuật của giá vàng đang là 1.317USD/oz. Phá được mốc này, giá vàng mới tránh được một đợt giảm giá mạnh khác.
Trong tuần, Nhật Bản tung ra một loạt các biện pháp kích thích để thúc đẩy kinh tế. Ngân hàng Trung ương Anh cũng hạ lãi suất xuống mức kỷ lục và tung gói mua tài sản.
Trong một diễn biến liên quan, trữ lượng vàng trong SPDR Gold Trust - quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới - lên cao nhất kể từ 11/7 vào thứ Năm.
Bám sát diễn biến tại thị trường thế giới, mở cửa phiên giao dịch sáng nay (Thứ Bảy ngày 5/8), giá vàng SJC trong nước cũng trôi mãnh liệt.
Cụ thể, đến thời điểm 10h17’ sáng nay, giá vàng miếng SJC của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang đứng ở 36,33 – 36,62 triệu đồng/lượng (MV-BR), giảm sốc 330 nghìn đồng chiều mua và 290 nghìn đồng chiều bán so với chốt phiên trước đó.
Tương tự, tại các đại lý của Doji, giá vàng miếng SJC cũng được Tập đoàn điều chỉnh giảm 280 nghìn đồng chiều mua và 290 nghìn đồng chiều bán về yết ở 36,40 – 36,55 triệu đồng/lượng (MV-BR) đối với giao dịch lẻ; và đắt hơn 10 nghìn đồng chiều mua, đồng thời rẻ hơn 10 nghìn đồng chiều bán đối với giao dịch buôn ở thị trường Hà Nội. Hiện, doãng chênh lệch 2 chiều mua - bán ở Doji là 150 nghìn đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đang được chào giá ở mức 36,41 – 36,54 triệu đồng/lượng (MV-BR). Trong khi, giá nhẫn tròn trơn loại Rồng vàng Thăng Long lại được yết ở 35,92 – 36,37 triệu đồng/lượng (MV-BR).
Còn chênh lệch nội – ngoại, quy đổi theo tỷ giá hối đoái USD/VND mà ngân hàng Vietcombank đang niêm yết, tính ra giá vàng trong nước hiện đang nhỉnh hơn thế giới khoảng 580 nghìn đồng mỗi lượng (chưa tính thuế và chi phí gia công).
X.T