Cục Viễn thông cho biết, Viettel và MobiFone đã được gia hạn giấy phép thử nghiệm 5G đến tháng 1/2021 và tháng 5/2021.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết, trong năm 2019, Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm mạng 5G cho 3 doanh nghiệp gồm: Viettel, VNPT và MobiFone tại 4 tỉnh thành Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng. Doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm đối với các thuê bao nội bộ để đánh giá tính năng kỹ thuật và khả năng triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông sử dụng công nghệ mới. Đến nay, cả 3 doanh nghiệp đều đã triển khai thực tế thử nghiệm 5G tại các địa bàn được cấp phép.
Cục Viễn thông cho biết, thời hạn giấy phép thử nghiệm cũ của VNPT đã hết và doanh nghiệp này đang làm thủ tục gia hạn mới. Trước đó, Viettel và MobiFone đã được gia hạn giấy phép thử nghiệm đến tháng 1/2021 và tháng 5/2021.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA), tính đến cuối tháng 5/2020, có 386 nhà mạng tại 125 quốc gia tuyên bố đầu tư phát triển mạng 5G với 81 nhà mạng đã triển khai ít nhất một dịch vụ 5G; 73 nhà mạng tại 38 quốc gia/vùng lãnh thổ triển khai công nghệ di động 5G và 39 nhà mạng tại 24 quốc gia/vùng lãnh thổ triển khai công nghệ cố định băng rộng vô tuyến.
Hiện số lượng thiết bị đầu cuối 5G được công bố tiếp tục tăng nhanh và tương đối sẵn sàng cho 5G thương mại. Đến nay, có 81 nhà cung cấp thiết bị đã công bố các thiết bị đầu cuối 5G có sẵn hoặc chuẩn bị ra mắt và 283 thiết bị đầu cuối được công bố. Trong đó, có 108 mẫu điện thoại (ít nhất 95 mẫu điện thoại có sẵn trên thị trường), 79 thiết bị CPE (trong nhà và ngoài trời), 47 module, 05 laptop, 19 hotspot, 20 thiết bị khác bao gồm (03 robot, 02 bộ định tuyến IoT, 02 máy bay không người lái…). Các nhà cung cấp thiết bị bao gồm Huawei, Mediatek, Qualcomm và Samsung đã công bố những mẫu Chipset mới dành cho 5G.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Viettel thì số lượng thiết bị đầu cuối 5G có rất ít, 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mới có khoảng 2.000 thiết bị/thành phố.
Để thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục thử nghiệm hiệu quả và sớm cung cấp thử nghiệm thương mại, Cục Viễn thông đề nghị các Sở TT&TT căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội tại địa bàn, phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông để đưa địa phương mình vào kế hoạch thử nghiệm kỹ thuật, thử nghiệm thương mại.
Cục Viễn thông cho biết, do đặc điểm kỹ thuật nên không thể phủ sóng 5G như 4G mà các địa phương cần phối hợp với các nhà mạng xem xét ưu tiên phủ 5G ở những địa điểm nào trước. Đây là căn cứ để Bộ TT&TT cấp phép thử nghiệm cho doanh nghiệp. Hiện Bộ TT&TT đã sẵn sàng bố trí tài nguyên và cấp phép cho các doanh nghiệp thử nghiệm 5G.
Bên cạnh đó, Cục Viễn thông yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp với các Sở TT&TT triển khai việc dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông và xây dựng kế hoạch về dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật liên ngành (điện, nước, giao thông, chiếu sáng đô thị …) do công nghệ 5G đòi hỏi số trạm phát sóng lớn hơn rất nhiều lần so với các công nghệ thế hệ trước. Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, khi thiết lập mạng 5G, các nhà mạng phải thiết kế lại mạng cáp truyền dẫn nên cần sự hỗ trợ của các Sở TT&TT.
“Cục Viễn thông sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế và đánh giá kết quả thử nghiệm kỹ thuật của doanh nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu việc chuẩn hóa công nghệ, xu hướng triển khai 5G trên thế giới để xây dựng điều kiện cấp phép và lộ trình triển khai 5G thương mại phù hợp đáp ứng sự phát triển của xã hội”, đại diện Cục Viễn thông nói.
Bộ TT&TT cho rằng, hạ tầng viễn thông đang có sự chuyển dịch quan trọng từ hạ tầng tần số làm nền tảng nền kinh tế trở thành hạ tầng nền tảng quốc gia quan trọng. Triển khai 5G tại Việt Nam đang thuận lợi khi các doanh nghiệp điện tử viễn thông Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, hạ tầng viễn thông, trong khi trước đây chúng ta phải đi mua, phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài về tần số. Mục tiêu đến tháng 10/2020, Việt Nam sẽ tiến hành thương mại 5G bằng 100% thiết bị trong nước. Đây là một bước tiến quan trọng để vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo tốt về an ninh - quốc phòng.