|
Ảnh: Telegraph |
Theo dữ liệu của Coindesk, cập nhật tới 11h30 ngày 7/10 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin giao dịch ở mức 27.943,49 USD/BTC, tăng 1,45% trong 24 giờ. Thanh khoản của đồng tiền mã hóa có vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 33,9 tỉ USD, tăng 20,62% so với ngày 6/10. Vốn hóa của Bitcoin đạt 544,81 tỉ USD, chiếm 49,12% tổng vốn hóa của thị trường tiền mã hóa.
Vốn hóa toàn bộ thị trường ghi nhận vào thời điểm 11h33 là 1.135,09 tỉ USD, tăng khoảng 14,2 tỉ USD so với 24 giờ trước. Đồng thời, khối lượng giao dịch trong 24 giờ trên thị trường tăng 6,86% so với ngày 6/10, đạt 22,9 tỉ USD.
Được biết, nhiều đồng tiền mã hóa khác cũng có xu hướng tăng trong 24 giờ qua. Theo đó, đồng ETH lại giao dịch ở mức 1.641,01 USD/ETH, tăng 1,17%. Binance Coin (BNB) và Tellor (TRB) - những đồng tiền mã hóa phổ biến khác - cũng đều có xu hướng tăng.
Vào lúc 11h30, trong 10 đồng tiền mã hóa có vốn hóa lớn nhất, có tới 9 đồng đều có xu hướng tăng so với 24h trước đó, chỉ riêng đồng Ripple (XRP) giảm nhẹ 0,11%.
Ủy ban Basel xem xét các yêu cầu công bố thông tin đối với tài sản tiền mã hóa của ngân hàng
Hậu quả từ cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi đầu năm nay vẫn tiếp tục xảy ra khi Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel xem xét yêu cầu các ngân hàng tiết lộ việc nắm giữ tài sản tiền mã hóa của họ. Ủy ban, hoạt động dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, đã xác định việc nắm giữ tiền mã hóa là một trong những yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của một số ngân hàng vào tháng 3.
Tại cuộc họp vào ngày 4 đến ngày 5 tháng 10, ủy ban đã xem xét nguyên nhân đằng sau sự thất bại của Ngân hàng Thung lũng Silicon, Ngân hàng Signature của New York (SBNY) và Ngân hàng First Republic, cũng như sự kiện gần như phá sản của Credit Suisse.
Theo báo cáo của ủy ban, ba xu hướng cấu trúc có thể đã góp phần gián tiếp vào sự thất bại của các ngân hàng: vai trò ngày càng tăng của trung gian phi ngân hàng trong những năm gần đây, tài sản tiền mã hóa tập trung ở một số ít ngân hàng và khả năng khách hàng chuyển tiền nhanh hơn do công nghệ ngày một phát triển.
Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tiền mã hóa trong sự thất bại của Signature Bank. Ủy ban nhận thấy:
"Sự tập trung khách hàng đáng kể của SBNY vào các công ty tài sản kỹ thuật số đã đặt nó vào tình thế bấp bênh khi “mùa đông tiền mã hóa” xảy ra vào năm 2022. Khả năng quản trị kém và các biện pháp quản lý rủi ro không đầy đủ của SBNY đã đặt ngân hàng vào tình thế không thể quản lý hiệu quả tính thanh khoản của mình trong một thời điểm căng thẳng".
Signature Bank đã bị Bộ Dịch vụ Tài chính Tiểu bang New York đóng cửa vào ngày 12 tháng 3. Các cơ quan quản lý tuyên bố vào thời điểm đó rằng tiền mã hóa không đứng sau quyết định của họ.
Được biết, vào tháng 1, ủy ban đã sửa đổi khuôn khổ của mình để giới hạn tài sản tiền điện tử trong dự trữ ngân hàng ở mức 2%.