|
Gelex lãi hơn ngàn tỷ nhờ thoái vốn mảng năng lượng tái tạo |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, Gelex ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.250 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ. Do giá vốn quý này tăng cao hơn nên lợi nhuận gộp giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, còn 1.498 tỷ đồng.
Cơ cấu doanh thu có sự tăng trưởng mạnh của mảng thiết bị điện (tăng 42% so với cùng kỳ, đạt 5.221 tỷ đồng); song doanh thu mảng khu công nghiệp lại sụt giảm đáng kể (giảm 59% so với cùng kỳ, còn 1.928 tỷ đồng).
Đáng chú ý, quý này doanh thu tài chính tăng đột biến hơn 10 lần lên 1.086 tỷ đồng, chủ yếu là khoản lãi bán các khoản đầu tư. Cụ thể, Gelex đã thoái vốn ở mảng năng lượng do tập đoàn và Công ty Cổ phần Điện lực Gelex (GEE) nắm giữ cho đối tác Sembcorp.
Danh mục năng lượng tái tạo thoái vốn của Gelex gồm: 73% cổ phần Thủy điện Sông Bung 4A (49 MW); 80% cổ phần GELEX Ninh Thuận (68 MW); 100% cổ phần Điện gió GELEX Quảng Trị (88 MW) và Điện gió Hướng Phùng 2&3 (50 MW).
Trong giao dịch được hoàn tất vào ngày 19/6/2024, Sembcorp đã mua lại phần lớn cổ phần tại 3 trong số 4 công ty con trên.
Dự kiến trong nửa cuối năm, Sembcorp sẽ tiếp tục mua 73% cổ phần của công ty con sở hữu nhà máy thủy điện công suất 49 MW của GELEX. Như vậy, khả năng Sembcorp sẽ nhận chuyển nhượng Thủy điện Sông Bung 4A trong thời gian tới.
Nhờ lãi lớn từ bán các khoản đầu tư nên lợi nhuận trước thuế quý II của Gelex tăng 59% so với cùng kỳ, đạt 1.385 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 69%, đạt 1.103 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần và lợi nhuận của Gelex đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước; lần lượt tăng 3% và 98%, đạt 14.910 tỷ đồng và 1.357 tỷ đồng. Nhờ kết quả này, Gelex đã hoàn thành 92% mục tiêu lợi nhuận năm nay (1.921 tỷ đồng).
Đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Gelex đạt 52.443 tỷ đồng; trong đó lượng tiền và tương đương tiền đạt 4.322 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm. Công ty đang có hơn 3.200 tỷ đồng đầu tư chứng khoán và trích lập dự phòng giảm giá gần 14 tỷ đồng.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản là hàng tồn kho với gần 9.290 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm. Chi phí xây dựng dở dang cũng tăng gần 7% lên hơn 7.800 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm cuối quý II/2024 tăng gần 5% lên 22.237 tỷ đồng, trong đó, vốn cổ phần là 8.515 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 3.295 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ phải trả của công ty đến cuối kỳ đã giảm gần 3.700 tỷ đồng so với đầu năm, xuống 30.164 tỷ đồng, trong đó, vay nợ ngắn hạn giảm 7% xuống 9.189 tỷ đồng và vay nợ dài hạn giảm 20% còn 8.139 tỷ đồng.
Cổ đông lớn nhất của Eximbank
Gelex vừa trở thành cổ đông lớn nhất của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) khi sở hữu hơn 85,5 triệu cổ phần (tương đương 4,9% vốn điều lệ). Cổ đông lớn thứ hai là Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX với hơn 62 triệu cổ phần (3,58%).
Cổ đông khác sở hữu trên 1% vốn tại Eximbank là Công ty cổ phần Thắng Phương (sở hữu 53,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,07% vốn).
Ngoài ra trong danh sách còn có hai cổ đông cá nhân nắm giữ trên 1% vốn của ngân hàng này, bao gồm là bà Lê Thị Mai Loan (sở hữu 1,03% vốn) và bà Lương Thị Cẩm Tú (sở hữu 1,12% vốn). Trong đó, bà Lương Thị Cẩm Tú hiện đang là Phó chủ tịch HĐQT Eximbank còn bà Lê Thị Mai Loan là cựu Thành viên HĐQT Eximbank.
Như vậy, 5 cổ đông này hiện đang nắm giữ tổng cộng 13,7% vốn của Eximbank.