GDP tăng trưởng vượt dự báo, nhóm cổ phiếu nào sẽ dẫn dắt thị trường?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

GDP tăng trưởng và kiểm soát lạm phát tạo thuận lợi cho đà phục hồi thị trường chứng khoán, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, bán lẻ, khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ dẫn dắt thị trường trong 6 tháng cuối năm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tạo đà phục hồi thị trường chứng khoán

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2024 tăng khá, thể hiện rõ xu hướng phục hồi của nền kinh tế với tốc độ tăng ước đạt 6,9% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng gần 8% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020 - 2024.

Tính chung GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020 - 2024. Mức tăng trưởng này vượt xa kỳ vọng của các tổ chức như World Bank hay Quỹ tiền tệ thế giới với mức dự báo 5,5 - 6% cho cả năm 2024.

Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96% vào tổng GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.

Đặc biệt, số doanh nghiệp mới thành lập đã lớn hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong 6 tháng có 119.612 doanh nghiệp gia nhập thị trường và 110.316 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Bình quân mỗi tháng, cả nước có 19.935 doanh nghiệp gia nhập thị trường.

GDP.png
Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Đáng chú ý, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện lập kỷ lục lịch sử mới 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2020 – 2024.

Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,44 tỷ USD), góp phần tạo động lực sản xuất và kích thích xuất khẩu.

Cùng với đó, thị trường lao động khởi sắc, trong 2 quý đầu năm, lao động có việc làm ước tính đạt 51,4 triệu người, tăng 195.700 người so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân lao động ước tính đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%.

Cùng với đà tăng trưởng kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán đã có đợt phục hồi kéo dài giúp VNIndex có thời điểm vượt hơn 1.300 điểm. Theo số liệu thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường cổ phiếu niêm yết và thị trường UPCOM đều có sự biến động cơ bản tích cực trong 6 tháng đầu năm 2024.

Tính trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đạt 26.533.428 hợp đồng, tổng giá trị giao dịch đạt 3.320 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, khối lượng giao dịch cổ phiếu niêm yết trên HNX đạt hơn 11 tỷ cổ phiếu tương ứng với giá trị giao dịch đạt 221.600 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài có khối lượng giao dịch chiếm tỷ trọng 5,2%, tương ứng giá trị giao dịch đạt 15.600 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 6,78%.

Tính chung giao dịch trên thị trường UPCoM 6 tháng đầu năm 2024, khối lượng giao dịch bình quân đạt 60,81 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt 984,18 tỷ đồng/phiên, tăng xấp xỉ 11% về khối lượng và 24,9% về giá trị so với cuối năm 2023. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.222 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024.

Triển vọng thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm

Chia sẻ với VietTimes, ông Nguyễn Đình Thuận, Chuyên viên cao cấp Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, bức tranh vĩ mô trong 6 tháng đầu năm cho thấy nhiều điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam.

chứng khoán.png
Diễn biến nhóm ngành trong tháng 6/2024. Nguồn: Chứng khoán KBSV.

GDP tăng trưởng so với cùng kỳ và lạm phát được kiểm soát giúp tạo môi trường thuận lợi cho đà phục hồi của thị trường chứng khoán. Đặc biệt, tình hình xuất khẩu nửa đầu năm tiếp tục tích cực càng ủng hộ cho triển vọng kết quả kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nhóm này trong năm nay.

Nhìn về chứng khoán nửa đầu năm, trong kịch bản cơ sở 6 tháng cuối năm, ông Thuận cho biết Chứng khoán KBSV kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục đà tăng trong bối cảnh nền lãi suất duy trì ở mức thấp và kỳ vọng phục hồi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.

Tuy nhiên, mức tăng không kỳ vọng mạnh mẽ như trong nửa đầu mà VNIndex sẽ gặp nhiều hơn áp lực rung lắc điều chỉnh trên đường đi lên do nền định giá của thị trường hiện tại không còn quá hấp dẫn so với thời điểm đầu năm cũng như 2 năm trở lại đây.

Về câu chuyện khối ngoại bán ròng, theo quan điểm cá nhân của ông Thuận, xu hướng này đã diễn ra từ đầu năm và tâm lý thị trường không còn phản ứng quá nhiều trước thông tin này. Biểu hiện là VNIndex đã phục hồi tốt giai đoạn vừa qua bất chấp đà bán liên tiếp của khối ngoại.

Trở lại câu chuyện năm 2021, khối ngoại cũng cho thấy bán ròng kỷ lục nhưng VNIndex vẫn có đà tăng tích cực. Điều này cho thấy dòng tiền nội tích cực hoàn toàn có thể cân bằng lực bán của khối ngoại. Thông tin cần quan sát và có thể tác động tích cực lên thị trường là khi nào khối ngoại chững lại và dừng động thái bán ròng diễn ra từ đầu năm.

Các doanh nghiệp bắt đầu kỳ vọng nhu cầu phục hồi trở lại sau 2 năm khó khăn và dư địa tăng trưởng của thị trường Việt Nam trong tương lai còn lớn. Đây không phải yếu tố có thể giúp tạo đà sôi động cho thị trường chứng khoán cuối năm 2024 nhưng có thể xem là tín hiệu phản ánh hoạt động kinh doanh đang ấm dần trở lại.

Ông Nguyễn Đình Thuận

Ngược lại với khối ngoại, thị trường trong nước có gần 119.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023 trong 2 quý đầu năm 2024. Số lượng doanh nghiệp mở mới và quay trở lại hoạt động tăng trong nửa đầu năm phần nào cho thấy môi trường kinh doanh đã trở nên ổn định hơn.

Theo đó, nhà đầu tư có thêm cơ sở để kỳ vọng vào sự phục hồi của kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn và tạo tâm lý tích cực trên thị trường chứng khoán.

Về dự báo chiến lược, chuyên viên cao cấp của Chứng khoán KBSV cho rằng, từ tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay, có thể đặt nhiều kỳ vọng vào nhóm xuất khẩu và bán lẻ trên cơ sở nhu cầu tiêu dùng phục hồi, tình hình xuất khẩu và đơn hàng cho thấy sự cải thiện đáng kể sau giai đoạn khó khăn của năm trước đó.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được kỳ vọng tiếp tục phục hồi nhờ bức tranh kinh tế vĩ mô nhiều điểm sáng, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu và tiêu dùng.

Tương tự, khu công nghiệp cũng là nhóm cổ phiếu đáng lưu tâm khi số liệu FDI chảy vào Việt Nam vẫn duy trì được sự tích cực.

“Ngược lại, chúng tôi cho rằng nhóm bất động sản sẽ có phần trầm lắng hơn do thiếu các thông tin hỗ trợ và hoạt động trên thị trường này chưa sôi động trở lại như các giai đoạn trước đây”, ông Nguyễn Đình Thuận thông tin.

Cùng xu hướng dự báo của Chứng khoán KBSV, Chứng khoán BSC (BIDV), Chứng khoán Phú Hưng cũng cho rằng, nhóm cổ phiếu trong chuỗi giá trị xuất nhập khẩu (logistic, hay cảng biển, kho bãi, hàng không…) cùng nhóm cổ phiếu tiêu dùng sẽ có triển vọng tích cực, nhờ Chính phủ tiếp tục duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và triển vọng kinh tế toàn cầu cải thiện.