|
Nhật Bản: Đóng góp từ cộng đồng trong tháng 5 lớn gấp sáu lần 12 tháng trước đó
Cô Natsumi Geji đã không thể đến cửa hàng cà phê Trung Quốc yêu thích của mình ở thành phố Fukuoka trên đảo Kyushu phía nam Nhật Bản do lệnh cấm của chính phủ để đối phó với dịch Covid-19. Cô vẫn hy vọng rằng cửa hàng có thể tồn tại cho đến chính phủ mở cửa trở lại nền kinh tế.
Người phụ nữ 30 tuổi này đã sử dụng một công cụ trực tuyến để duy trì sự hy vọng của mình. Cô đã đóng góp 12.000 yen (khoảng hơn 110 USD) cho chiến dịch gây quỹ cộng đồng do quán cà phê Trung Quốc khởi xướng với các phiếu giảm giá mà cô có thể sử dụng sau này.
Quán cà phê Trung Quốc cho biết họ sẽ sử dụng số tiền gây quỹ để trang trải tiền thuê nhà và các hóa đơn tiện ích khác cho tới khi chính phủ cho phép mở cửa trở lại để đón khách.
Đây là lần đầu tiên cô Natsumi tham gia một chiến dịch gây quỹ cộng đồng. Có rất nhiều công ty ở Nhật Bản cần nhận được sự trợ giúp như vậy khi tình trạng giãn cách xã hội của nước này đang kéo dài.
Gây quỹ cộng đồng giúp các nhà hàng của Nhật Bản và các doanh nghiệp nhỏ khác có thể tồn tại trong tình trạng khẩn cấp của đất nước, khi hàng triệu người phải ở nhà và không thể đến các cửa hàng yêu thích.
Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất cần đến nguồn viện trợ từ cộng đồng. Các nền tảng huy động vốn được thiết kế để giúp người kinh doanh giới thiệu sản phẩm của họ đến với khách hàng hoặc các nhà đầu tư nhỏ đã nổi lên khắp châu Á, ném chiếc phao cứu sinh cho những doanh nghiệp vốn đang rơi vào tuyệt vọng bởi sự lây lan của virus và các biện pháp giãn cách xã hội.
Campfire, nhà điều hành nền tảng gây quỹ cộng đồng lớn nhất của Nhật Bản, vào đầu tháng 6 tuyên bố họ đã huy động được 3,9 tỷ yên trong tháng 5, gấp khoảng sáu lần so với con số 12 tháng trước đó, qua chương trình trợ giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi virus Corona. Hơn 90% số tiền gây quỹ trong tháng 5 đến từ các chiến dịch dựa trên phần thưởng, phần còn lại đến dưới hình thức quyên góp, theo Campfire.
Một trong những chiến dịch gây quỹ cộng đồng thành công nhất của Campfire là “giải cứu thịt bò wagyu”. Đây là loại thịt bò nổi tiếng của Nhật Bản, có vân như cẩm thạch và có hàm lượng chất béo cao. Món ăn làm từ thịt bò wagyu được yêu thích trên toàn cầu và được khách du lịch ưa chuộng.
Khi virus Corona làm ngành hàng không ngừng hoạt động, nhu cầu thịt wagyu từ các khách sạn và nhà hàng giảm mạnh. Điều này đã khiến Hiệp hội Hợp tác xã Nông nghiệp Hida ở Takayama, tỉnh Gifu, thực hiện một chiến dịch gây quỹ cho thịt bò Hida wagyu cao cấp. Họ đã thu được 110 triệu yên trong khoảng hai tuần bằng cách cung cấp cho những người ủng hộ một số thịt bò ngon tuyệt hảo.
Campfire cho biết nhu cầu về dịch vụ gây quỹ cộng đồng của họ đang tăng lên giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do đó nhà cung cấp này đang triển khai nhiều dự án hơn bao giờ hết, đặc biệt là với các nhà bán lẻ và doanh nghiệp có lợi ích gắn với nền du lịch Nhật Bản.
|
Trang web gây quỹ cộng đồng của Campfire đăng tải hình ảnh món thịt bò wagyu. Nhờ đó, Hợp tác xã Nông nghiệp Hida ở Takayama đã nhận được 1 triệu USD trong 2 tuần
|
Gây quỹ cộng đồng đang mở rộng ở quốc gia này. Theo công ty nghiên cứu Yano có trụ sở tại Tokyo, các chiến dịch tại nước này ước tính đã huy động được hơn 200 tỷ yên trong năm 2018, tăng gần gấp 10 lần so với bốn năm trước đó. Hầu hết các chiến dịch là giới thiệu người kinh doanh cho những người cho vay thời gian ngắn, một số ít chiến dịch còn lại là gây quỹ qua khen thưởng (reward-based crowdfunding) hoặc quyên góp.
Nhưng gây quỹ cộng đồng dựa trên cho vay không phải là một con đường mà tất cả các doanh nghiệp cạn tiền và doanh nhân lần đầu kinh doanh có thể tiếp cận. Nobuhiro Tsunoda, Chủ tịch của EY Japan Tax, cho biết nhiều doanh nghiệp không vượt qua được quy trình sàng lọc của các nền tảng gây quỹ.
Tuy nhiên, số lượng các chiến dịch gây quỹ cộng đồng dựa trên phần thưởng “có thể tiếp tục tăng ngay cả khi đã hết dịch Covid-19, mặc dù điều này sẽ phụ thuộc vào tình hình mới”, ông Tsunoda nhận định.
Nhà phân tích này nói rằng các công ty thích nghi với tình hình mới có thể thành công với gây quỹ cộng đồng, nhưng họ cũng có thể huy động vốn từ các kênh cho vay truyền thống để không phải gây quỹ dựa trên phần thưởng.
Các chiến dịch gây quỹ cộng đồng dựa trên quyên góp đã gia tăng kể từ khi đại dịch ảnh hưởng đến xã hội. Khi tổ chức phi lợi nhuận Japan Heart yêu cầu trợ giúp từ công chúng trong việc mua sắm khẩu trang cho các bệnh viện và cơ sở y tế, họ đã nhận được 100 triệu yen trong 21 giờ.
Các doanh nghiệp khác ở châu Á cũng đang nhận được sự trợ giúp
Xu hướng tương tự đang diễn ra ở những nước khác tại châu Á. Mặc dù quy mô của thị trường gây quỹ cộng đồng châu Á nhỏ hơn so với Hoa Kỳ - nơi khái niệm này được sinh ra - nhưng số tiền huy động được vẫn đang tăng lên.
Theo hãng phân tích Statista, thị trường gây quỹ cộng đồng của châu Á dự kiến sẽ tăng 1,2% trong năm 2020 lên 82,8 triệu USD, trong khi thị trường toàn cầu ước tính sẽ giảm 7,8% vào năm 2020 xuống còn 940,9 triệu USD. Đến năm 2024, tốc độ tăng trưởng của châu Á dự kiến là 5,1% và gây quỹ cộng đồng ở châu Á dự kiến tăng 100,9 triệu USD.
Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, GIVE.Asia – nền tảng gây quỹ cộng đồng trực tuyến lớn nhất châu Á – đã thống kê rằng số tiền quyên góp hàng tháng trên nền tảng của họ đã tăng gấp đôi so với năm 2019. Hãng có trụ sở tại Singapore này nói rằng nguyên nhân là do nhiều sự kiện từ thiện ngoại tuyến (offline) bị hủy do dịch bệnh nên người ta đã tìm đến các nền tảng trực tuyến (online) để đóng góp.
“Virus Corona đã đẩy nhanh việc chuyển sang quyên góp trực tuyến và gây quỹ cộng đồng ở châu Á", người sáng lập GIVE.Asia Aseem K Thakur nói.
Theo GIVE.Asia, các chiến dịch gây quỹ cộng đồng liên quan đến virus Corona đã nhận được khoảng 2,7 triệu đô la Singapore (1,9 triệu USD) cho đến đầu tháng 6, với hơn 100 dự án được hỗ trợ.
“Cuộc khủng hoảng này đã mang lại một sự chú ý đáng kể đối với việc gây quỹ cộng đồng dựa trên quyên góp”, ông Quoc Nguyen, CEO tại Weeboon – nền tảng gây quỹ cộng đồng dựa trên quyên góp lớn nhất Thái Lan, cho biết.
Nền tảng này nhận thấy nhu cầu về gây quỹ cộng đồng tại Thái Lan gia tăng từ tháng 3. Trong thời gian 2 tháng sau khi dịch bệnh bùng phát, Weeboon đã gây quỹ được nhiều bằng số lượng cả năm ngoái.
Thái Lan đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus Corona đầu tiên vào ngày 13/1, và đại dịch đã tiếp tục tấn công ngành công nghiệp du lịch vốn đóng góp rất nhiều cho ngân sách đất nước.
Một chiến dịch của Weeboon vào cuối tháng 5 đã huy động được 128.751 baht (tương đương 4.155 USD) để hỗ trợ những chú voi bị đói ở quốc gia này.
“Những người ngoại quốc sống ở Thái Lan đã quen thuộc với hình thức đóng góp này, nhưng chúng tôi vẫn cần nâng cao nhận thức cho người dân Thái Lan”, ông Quoc Nguyen nói.
|
Những chú voi ở Thái Lan được hỗ trợ tiền mua thức ăn
|
Tại Việt Nam, các chiến dịch giải cứu tôm hùm, dưa hấu, xoài, thanh long và các loại nông sản cũng đã được thực hiện. Mặc dù Việt Nam có mộ số nền tảng gây quỹ cộng đồng như Betado, Comicola, Funstart hay FundingVN, nhưng đây là những nền tảng hoạt động trong phạm vi hẹp. Người Việt đã sử dụng Facebook như môi trường để lan truyền các thông điệp kêu gọi người dân tham gia "giải cứu". Mặc dù không có con số thống kê chính thức nhưng kết quả của các đợt "giải cứu" cũng khá tích cực.
Việt Nam hiện nay đã mở cửa trở lại nền kinh tế, nhưng có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và người dân vẫn cần đến sự trợ giúp. Chính phủ đã đưa ra gói cứu trợ 62 nghìn tỷ giúp người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.