Sức lây nhiễm lan nhanh hơn tới 70%
Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 diễn ra chiều 25/12, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các Viện chuyên ngành khẩn trương lấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân COVID-19 gần đây và kết hợp đối tác bên ngoài để làm rõ biến thể mới của virus SARS-CoV 2 đã vào Việt Nam hay chưa.
Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, nhấn mạnh: "Các biện pháp chống dịch COVID-19 phải nâng lên một mức để đón Tết an toàn".
Đại diện các bộ ngành đánh giá nguy cơ và tìm giải pháp, cho rằng cần quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, siết chặt phòng chống dịch trong nước, nhất là trong điều kiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Anh và dịch diễn biến phức tạp trên thế giới và trong khu vực.
Ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, gia tăng mạnh tại Mỹ, một số quốc gia châu Á và các quốc gia khu vực châu Âu. Đặc biệt, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vừa phát hiện tại Anh khiến nhiều quốc gia châu Âu và một số quốc gia, cùng lãnh thổ khu vực châu Á như Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đã cấm các chuyến bay đến từ Anh.
Ngoài ra, ổ dịch tại khu chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon (Thái Lan) giáp với Bangkok đã bùng phát sau một thời ngắn trước đó vừa nới lỏng các biện pháp phong tỏa để thúc đẩy nền kinh tế.
Phó Cục trưởng Hoàng Minh Đức nhấn mạnh, Việt Nam cơ bản kiểm soát tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, các trường hợp nhập cảnh mắc COVID-19 vẫn được ghi nhận từ các chuyến bay đưa công dân về nước và các chuyên gia sang Việt Nam làm việc, do đó, nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt sắp tới là dịp Tết dương lịch, chuẩn bị Tết âm lịch, việc đi lại, nhu cầu về nước của công dân rất lớn.
Liên quan đến biến thể của virus SARS-CoV-2, ông Hoàng Minh Đức cho biết biến thể mới làm tăng khả năng lây lan tới 70%. Đến nay chúng ta chưa có kết quả xét nghiệm phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ những ca bệnh là người nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam.
Những nghiên cứu ban đầu cho thấy thời gian ủ bệnh của người nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ngắn hơn, khởi phát sớm hơn, khả năng bám dính bề mặt lớn hơn... nhưng chưa có dấu hiệu về biến thể mới tồn tại lâu hơn, gây triệu chứng bệnh nặng hơn.
Quản lý chặt người nhập cảnh và các đường biên giới
Lãnh đạo Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) báo cáo về công tác cách ly. Ảnh: Đình Nam/VGP |
Trước tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong khu vực, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ đường biên giới trên bộ, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép vào được chính quyền, người dân địa phương phát hiện vận động để thực hiện các quy định về cách ly. Những trường hợp không tự nguyện thì người dân báo cáo với cơ quan chính quyền để xử lý.
“Chúng ta phải tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, người dân ở vùng biên và kiên quyết xử lý những trường hợp nhập cảnh trái phép, đặc biệt đối với các đối tượng tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Đối với người nhập cảnh hợp pháp, Ban Chỉ đạo đã bàn trong nhiều cuộc họp, nhấn mạnh yêu cầu chấn chỉnh công tác cách ly. Tất cả các đối tượng là nhà ngoại giao, công vụ, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài và những người Việt Nam về nước trên các “chuyến bay giải cứu” đều phải có phương án cách ly trước khi nhập cảnh.
Sau khi nhập cảnh, những người này phải thực hiện nghiêm theo phương án cách ly và chỉ thay đổi địa điểm, phương án cách ly theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Không để trường hợp sau khi nhập cảnh lại yêu cầu thay đổi gây xáo trộn rất khó khăn cho công tác quản lý.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết thời gian tới ngành y tế sẽ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra sâu sát hơn; tiếp tục tăng cường năng lực phát hiện của các cơ sở y tế để phát hiện sớm ca nhiễm, khoanh vùng, dập nhanh, gọn.
Trước tình trạng nhiều trung tâm thương mại, chợ chưa tự đánh giá biện pháp phòng chống dịch và cập nhật thông tin do chưa có hướng dẫn, Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Công Thương ban hành ngay văn bản chỉ đạo các đơn vị quản lý trung tâm thương mại, chợ thực hiện việc này; kiểm tra, nhắc nhở từng cửa hàng, hộ kinh doanh.
Phó Thủ tướng cũng biểu dương ngành Giáo dục, Y tế đã nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong mùa dịch, cập nhật lên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19. Bộ Công Thương chỉ đạo các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà máy, xí nghiệp thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Ngành Giao thông Vận tải chỉ đạo các phương tiện giao thông công cộng ở các thành phố lớn; từ đó, cả xã hội sẵn sàng chống dịch...