|
Hầu như năm nào cũng tái diễn cảnh dưa hấu ách tắc ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn |
Làm ăn với nước ngoài ngày càng khó
Tháng 4 có lẽ là tháng đen đủi nhất của bà con nông dân Việt Nam.
Mở đầu, hàng nghìn tấn dưa hấu Quảng Nam, Quảng Ngãi ùn tắc cả tuần liền, ế đến mức thối ruỗng, chảy nước ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Nông dân thà bỏ cho trâu ăn còn hơn bán cho thương lái.
Vài ngày sau là hành tím Sóc Trăng, với 50.000 tấn là ế ẩm, chất đống ngoài ruộng do Indonesia ngừng nhập.
Chưa khi nào, nông sản lại phải "cứu" bởi nghĩa tình của Bộ Công Thương, các tỉnh đoàn và cộng đồng mạng. Điều ấy như càng tô đậm thêm nghịch cảnh được mùa mất giá của người nông dân.
Gần đây lại là gạo. Gần 30.000 tấn xuất sang Trung Quốc bị ứ đọng ở cửa khẩu Lào Cai, thương lái méo mặt vì lo ẩm mốc. Ở châu Phi, Trung Đông, gạo Việt bị lấn át bởi gạo Ấn Độ, Pakistan. Ở EU, Trung Quốc, gạo Myamar, Campuchia nhăm nhe giành giật thị phần. Và so với gạo Thái, gạo Việt ngày càng thua xa cả về giá và chất lượng.
Chè Việt Nam cũng khốn khổ suốt từ tháng 2 khi bị phía Đài Loan cảnh báo kiểm soát chặt 100% các lô hàng, vì liên tục bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép.
Trong khi đó, tôm, cá Việt Nam vẫn chưa hết lao đao với các kiểu áp thuế chống bán phá giá của Mỹ. Cá da trơn còn có nguy cơ không xuất được vào Mỹ vì sự khắt khe của đạo luật Nông nghiệp. Tôm Việt Nam thất thế so với tôm Ấn Độ về giá.
Chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp trong ngành nông lâm thuỷ sản vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh cũng lo lắng về sự bất thường này.
"Từ Nhật Bản tới châu Âu, Mỹ đều có sự suy giảm rất bất lợi trong khi, đây đều là các thị trường lớn, truyền thống tiêu thụ các nông lâm thuỷ sản của Việt Nam. Trong các cam kết hội nhập, đó cũng là thị trường trọng điểm của Việt Nam", ông cho biết.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng qua đã chỉ đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ. Vấn đề không chỉ là giá trị kim ngạch, sự sụt giảm này sẽ ảnh hưởng lớn tới đời sống hàng triệu người nông dân Việt Nam.
Ách tắc nhiều khâu
Mỗi ngành lại có một lý do khác nhau cho sự sụt giảm trên.
Chẳng hạn như về gạo, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, cho biết: "Mới đầu chúng tôi nghĩ là do giá gạo Thái Lan rẻ hơn ta 20-30 USD/tấn. Nhưng không hẳn vậy, dân châu Phi không thích ăn gạo trắng của ta vì nấu lên, hạt rời rạc. Trong khi, loại gạo này chiếm hơn 50% trong 1 triệu tấn gạo mua dữ trữ vừa rồi".
|
Cá tra vào Mỹ ngày càng khó khăn |
Giám đốc Công ty chè Tôn Vinh, ông Trung Xuân Ái tự nhận mình "nổi tiếng vì đã có 9 lô chè bị trả lại", nhưng "chẳng qua là bán nhiều nên dính nhiều".
Ông Ái băn khoăn: "Công ty đã đầu tư lớn cho bà con nông dân từ giống, phân bón, nhưng rốt cục, chè tốt thì bà con bán cho người khác".
Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, ông Lê Văn Ánh, giãi bày: "Bộ trưởng đã hỏi là có vấn đề gì về dưa hấu, thanh long không, chúng tôi bảo là không. Nhưng đúng 3 ngày sau thì ùn tắc".
"Năm nào cũng có chuyện này. Kết luận nhiều năm là quá tải cửa khẩu. Nhưng vấn đề chính là việc truyền đạt thông tin", ông Ánh nói.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, bức xúc: "Bốn năm qua, thứ 6 hàng tuần, chúng tôi đều gửi bản tin về 7 nhóm hàng cho khắp các thương vụ nhưng báo cáo phản hồi về thị trường từ các thương vụ lại rất ít. Phản ứng trước các vụ việc của tham tán, các cục, vụ chức năng cũng rất thụ động".
"Chưa kể, việc xúc tiến thương mại qua tham gia các hội chợ chưa được đầu tư. Ngay cạnh Việt Nam, gian hàng về thuỷ sản của Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc luôn hơn hẳn", ông Nam cho hay.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, thông tin từ phía Trung Quốc đã được các cục, vụ chức năng ở bộ nắm rõ, nhưng việc truyền đạt làm sao đến thương nhân, nông dân để tổ chức sản xuất phù hợp lại chưa làm được.
Ông cũng đồng tình việc phải lập tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Hơn 100 tỷ đồng xúc tiến thương mại hàng năm sẽ phải tính toán lại cho phù hợp.
Về lâu dài, Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường phối hợp với Bộ NN-PTNT để làm tốt công tác tổ chức sản xuất gắn kết với tiêu thụ, liên kết với nông dân đảm bảo chất lượng. Mục tiêu trước mắt là tiêu thụ hết nông sản, nhất là vào mùa vụ.
Theo VNN