Gang thép Thái Nguyên báo lỗ quý thứ 2 liên tiếp, dư nợ vay vượt 4.600 tỉ đồng

VietTimes – Tính đến cuối năm 2022, tổng dư nợ vay tài chính ngắn và dài hạn của Tisco đạt 4.602,4 tỉ đồng, cao gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu.
Gang thép Thái Nguyên (Tisco) chìm trong thua lỗ, vay nợ đến 4.600 tỉ đồng (Ảnh: TISCO)

CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco – Mã CK: TIS) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022 với doanh thu thuần đạt 2.172,3 tỉ đồng, giảm 32,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ở hướng ngược lại, nhờ giá vốn hàng bán giảm tới 37,1% so với cùng kỳ, Tisco báo lãi gộp 135,2 tỉ đồng (quý 4/2021 báo lỗ gộp 17,3 tỉ đồng).

Trừ đi các khoản chi phí khác, Tisco báo lỗ sau thuế 17,3 tỉ đồng. Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp công ty thép này báo lỗ.

Lũy kế cả năm 2022, Tisco ghi nhận doanh thu đạt 11.697,4 tỉ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, công ty này cũng báo lỗ ròng 9,4 tỉ đồng trong năm 2022 (trong khi năm 2021 báo lãi 122,4 tỉ đồng).

Trên bảng cân đối, tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Tisco đạt 10.183,6 tỉ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Số dư tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận cuối kỳ đạt 104,5 tỉ đồng, giảm 59,2% so với thời điểm đầu năm.

Trong khi đó, số dư hàng tồn kho của công ty tăng 22,3% so với đầu năm 2022, ghi nhận ở mức 1.766,2 tỉ đồng.

Khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất trên tổng tài sản của Tisco là tài sản dở dang dài hạn, đạt 6.274,7 tỉ đồng. Trong đó chủ yếu là chi phí xây dựng dự án “Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên – giai đoạn 2”.

Dự án trên được Tisco triển khai với tổng chi phí đầu tư ban đầu là 3.843,67 tỉ đồng, sau đó được điều chỉnh phê duyệt mức đầu tư mới là 8.104,91 tỉ đồng với nhà thầu chính là China Metallurgical Group.

Tính đến cuối năm 2022, tổng giá trị đầu tư đã thực hiện là 6.267,98 tỉ đồng, lãi vay vốn hóa là 3.018,81 tỉ đồng.

Về phía nguồn vốn, tính đến cuối năm 2022, tổng dư nợ vay tài chính ngắn và dài hạn của Tisco đạt 4.602,4 tỉ đồng, cao gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu.

Nhận định về triển vọng ngành thép năm 2023, công ty chứng khoán SSI cho rằng, giá thép và nguyên liệu thô ổn định hơn có thể giúp ổn định lợi nhuận của các công ty thép trong năm 2023.

Tuy nhiên, nhu cầu yếu có thể dẫn đến hiệu suất sử dụng thấp, chỉ ở mức 60~75% (so với trên 80% trong năm 2022 và hơn 90% trong năm 2021), điều này sẽ gây áp lực lên doanh thu, dòng tiền và tỷ suất lợi nhuận của các công ty trong năm tới./.