Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa về tình hình hoạt động sản xuất của các cơ sở băm dăm gỗ trên địa bàn, tính đến tháng 4/2016, toàn tỉnh có 39 cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ xuất khẩu tại 10 huyện. Trong đó, 11 cơ sở sản xuất dăm gỗ được UBND tỉnh chấp thuận, 28 điểm sản xuất không hợp pháp.
Báo cáo của Sở cũng thừa nhận, phần lớn các cơ sở sản xuất dăm gỗ đều chưa có phương án đầu tư dài hạn, từ khâu trồng, thu mua nguyên liệu đến khâu chế biến để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng yêu cầu cho sản xuất. Tình trạng thiếu nguyên liệu đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua, tranh bán gây mất trật tự xã hội.
28/39 cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh không được cấp có thẩm quyền chấp thuận nội dung sản xuất dăm gỗ. 5/11 cơ sở được chấp thuận có nội dung sản xuất dăm gỗ hoạt động vượt công suất đăng ký. Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến đầu tư xây dựng dây chuyền băm dăm gỗ để xuất khẩu, không tập trung đầu tư chế biến sâu các loại sản phẩm có giá trị cao nên gây lãng phí nguồn tài nguyên rừng của tỉnh.
Với thực trạng bất chấp pháp luật này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Chủ tịch UBND ra quyết định“dừng mọi hoạt động liên quan đến việc thu mua nguyên liệu và sản xuất dăm gỗ” và “chủ động tháo dỡ nhà xưởng và các loại máy móc thiết bị đối với các cơ sở băm dăm gỗ chưa có cấp thẩm quyền chấp thuận”.
Đồng thời, văn bản này cũng đề nghị giao cho Sở thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện các dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Cơ quan này kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi các dự án triển khai thực hiện không đúng nội dung đã được chấp thuận, dự án chậm tiến độ theo quy định.
“Yêu cầu giám đốc các Sở, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo nêu trên, chưa xem xét cấp mới cho các cơ sở băm dăm gỗ và tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo các nội dung đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư”, báo cáo nêu rõ.
Địa bàn có nhiều điểm xây dựng nhà máy sản xuất gỗ dăm trái phéo nhiều nhất lại tập trung ở Khu kinh tế Nghi Sơn. Phó trưởng ban Khu kinh tế Nghi Sơn Lê Thanh Hà xác nhận, hiện nay tại đây có 5 cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép của các công ty: TNHH đầu tư Nghi Sơn (xã Nghi Sơn), Cổ phần Sinh Lộc Phát (xã Nghi Sơn), TNHH Thành Tiến ( xã Hải Thượng), TNHH Minh Long, TNHH Việt Trung (xã Trường Lâm).
Ngoài 5 doanh nghiệp nói trên, Công ty cổ phần Tân Phú cũng đang xây dựng nhà máy gỗ dăm trái phép ở ngay Khu kinh tế Nghi Sơn thuộc địa phận xã Trường Lâm.
Theo ông Cao Văn Sự, Phó chủ tịch UBND xã Trường Lâm, chính quyền xã đã tiến hành lập biên bản đình chỉ xây dựng nhưng công ty Tân Phú vẫn lén lút thi công. Xã đã cử công an ngăn chặn bảo vệ nguyên hiện trường.
Với hàng loạt công trình sản xuất gỗ dăm trái phép được xây dựng ngay trong Khu kinh tế Nghi Sơn, trách nhiệm quản lý của lãnh đạo Ban quản lý dự án này đến đâu vẫn còn chờ câu trả lời từ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.
Theo Zing