Đối với Apple, Trung Quốc là thị trường quan trọng không chỉ vì quy mô rộng lớn, mà còn do mạng lưới nhà cung cấp linh kiện và gia công sản phẩm. Phần lớn iPhone và iPad trên thế giới đều có nguồn gốc sản xuất tại Trung Quốc.
Kể từ năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế lên hàng hóa trị giá 300 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Đầu tháng 5, sau một thời gian đình chiến và đi đến đàm phán, Mỹ đột ngột nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc. Căng thẳng tiếp tục leo thang khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen thương mại, cấm mua linh kiện và công nghệ Mỹ.
Foxconn hiện là công ty gia công thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Ngày 11/6, Giám đốc điều hành mảng bán dẫn Foxconn, Young Liu cam kết rằng công ty sẽ hỗ trợ Apple, dịch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh tác động khó lường của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
“25% dây chuyền sản xuất của chúng tôi nằm ngoài Trung Quốc và chúng tôi có thể giúp Apple đáp ứng nhu cầu tại thị trường Mỹ”, ông Liu khẳng định.
Bên cạnh đó, giám đốc điều hành cấp cao của Foxconn cũng cho biết công ty đang đầu tư xây mới cơ sở sản xuất lớn tại Ấn Độ dành riêng cho sản phẩm Apple. “Chúng tôi có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu của Apple”, ông Liu nói.
Giám đốc điều hành cấp cao của Foxconn thừa nhận rằng Apple chưa đặt ra yêu cầu ngay lập tức di rời toàn bộ dây chuyền sản xuất iPhone và iPad ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty đã nỗ lực thích ứng nhanh chóng trong quá trình thay đổi mô hình sản xuất nội địa, để đối phó với hậu quả chiến tranh thương mại. Ví dụ, Foxconn khởi động dự án xây dựng cơ sở sản xuất thiết bị điện tử ở bang Wisconsin vào năm 2017.
Ngoài ra, ông Liu tiết lộ rằng Foxconn sẽ bắt đầu gia công iPhone 2019 tại Ấn Độ, nhưng không rõ công ty có dự định biến quốc gia Nam Á này thành công xưởng sản xuất iPhone của thế giới, thay thế cho Trung Quốc hay không.
Được biết, Foxconn đang vận hành thử nghiệm dây chuyền lắp ráp iPhone XR tại Ấn Độ, trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt tại nhà máy ở ngoại ô thành phố Chennai. Trong khi đó, các mẫu iPhone cũ hơn đang được gia công tại nhà máy của Wistron ở Bangalore.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và CEO Foxconn Terry Gou tại lễ khởi công nhà máy tại bang Wisconsin. Ảnh: AP
|
Năm ngoái, Foxconn đã nhận khoản trợ cấp 4,5 tỷ USD tiền thuế của chính phủ Mỹ để xây dựng cơ sở sản xuất khổng lồ, hứa hẹn đem đến việc làm cho 13.000 người Mỹ. Tuy nhiên, dự án đã bị các nhà chức trách địa phương chỉ trích vì thiếu định hướng, mức lương thấp, công nhân thường xuyên bị sa thải đột ngột.
Giám đốc điều hành mảng bán dẫn Foxconn, Young Liu đã tái khẳng định dự án Wisconsin hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu việc làm cho 2.000 người Mỹ. Đồng thời, nhà máy này sẽ bắt đầu xuất xưởng màn hình LCD, thiết bị mạng và máy chủ vào cuối năm 2020.
Theo SCMP