|
Một người ủng hộ Trump giơ tấm biển với dòng chữ: "Tôi thấy người chết đi bỏ phiếu" (Ảnh: Telegraph) |
Người chết đội mồ đi bỏ phiếu
Đã trải qua hơn 1 tuần lễ kể từ khi lá phiếu cuối cùng được bỏ, nhưng rất nhiều trong số 72 triệu cử tri bỏ phiếu cho Tổng thống Trump vẫn tin rằng kỳ bầu cử này không công bằng.
Những cử tri trên đã đúng. Đảng Dân chủ hoàn toàn thay đổi cách mà cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong kỳ bầu cử năm nay. Hệ thống bầu cử Mỹ được cho là chưa từng hỗn loạn và dễ bị thao túng đến như vậy.
Vậy có xảy ra gian lận bầu cử hay không? Chúng tôi đã liên tục nỗ lực làm việc để giải quyết câu hỏi này kể từ đêm bầu cử 3/11, và câu trả lời là: Có!
Gian lận bầu cử không còn là một giả thuyết. Nó thực sự đã xảy ra, và chúng tôi có thể chứng minh điều này. Các hãng truyền thông khác cũng hoàn toàn đủ khả năng chứng minh, nhưng họ lại lựa chọn im lặng. Quan điểm của các hãng truyền thông trên khắp nước Mỹ trong tuần này rất đơn giản: Không có gian lận bầu cử. Họ nói đi nói lại điều đó, nhưng thực ra họ đang nói về điều gì? Họ sẽ không nói với các bạn. Bởi vậy, chúng tôi sẽ nói với các bạn điều đó ngay bây giờ.
Cách biệt giữa Donald Trump và Joe Biden ở bang Georgia chỉ là dưới 15.000 phiếu. Nó đủ sít sao để khiến người ta phải xem lại xem điều gì đã xảy ra ở đó. Thư ký bang Georgia giờ đã xác nhận rằng họ sẽ phải kiểm lại bằng tay tất cả lá phiếu bầu ở đó.
Trong số những lá phiếu này, những người kiểm phiếu sẽ phát hiện ra một lá phiếu được bỏ bởi người phụ nữ có tên là Deborah Jean Christiansen. Bà ấy là một người khá nổi tiếng trong cộng đồng của mình suốt nhiều năm qua, một người làm vườn đáng kính, một fan hâm mộ trung thành của đội Georgia Bulldogs. Những người quen bà đã rất buồn khi bà qua đời vào tháng 5/2019. Và họ cũng rất bất ngờ khi biết được rằng, sau khi đã qua đời, Deborah Jean Christiansen vẫn đăng ký bầu cử và bỏ lá phiếu của mình, cho ông Joe Biden, cứ cho là vậy.
Theo một cách nào đó, đúng là một câu chuyện đầy cảm hứng, chiến thắng nhờ lá phiếu của người chết.
Và còn một câu chuyện không kém phần cảm động khác là về James Blalock đến từ Covington, Georgia. Ông Blalock từng làm nhân viên đưa thư suốt 33 năm, cho đến khi qua đời vào năm 2006. Vậy mà 14 năm sau, theo ghi chép của bang, ông vẫn gửi qua đường bưu điện nhiều thứ. Tuần trước, James Blalock đã bỏ phiếu trong kỳ bầu cử. Làm sao ông ta làm thế được? Trong trường hợp này, có lẽ việc đội mồ đi bỏ phiếu không thực sự bị coi là gian lận.
Và rồi đến Linda Kesler đến từ Nicholson, Georgia. Kesler đã qua đời vào năm 2003. 17 năm sau, bà vẫn bỏ phiếu trong các kỳ bầu cử tổng thống.
Edward Skwiot đến từ Trenton, Georgia, dành cả đời làm việc trên công trường xây dựng và trên bục giảng. Trong thời gian rảnh rỗi, ông thường nghe nhạc. Theo những người quen biết ông, ông chơi được nhiều loại nhạc cụ. Khi ông qua đời cách đây 5 năm ở tuổi 82, người ta chắc chắn rằng ông đã từ biệt thế giới này mãi mãi. Thế nhưng không, tuần trước ông vừa bỏ phiếu trong kỳ bầu cử và chắc chắn ông không phải người duy nhất.
Gửi lá phiếu cho...bất kỳ ai
Tính đến giờ, không có đủ những lá phiếu như vậy để làm thay đổi kết quả. Nhưng vấn đề là: Họ đã chết, nhưng họ vẫn bỏ phiếu. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào họ làm được thế? Chính xác thì họ bỏ lá phiếu như thế nào?
Và câu trả lời ngắn gọn là: Bỏ phiếu qua đường bưu điện.
Những người đã qua đời, giống như bao nhóm cử tri khác, giờ được phép bỏ phiếu thường xuyên khi người ta giúp họ bỏ phiếu dễ dàng. Và trong năm nay, người ta thậm chí còn giúp họ bỏ phiếu dễ dàng hơn. Các bang gửi đi lá phiếu và bản đăng ký xin phiếu cho hàng triệu người, một cách hoàn toàn tự nguyện. Bối cảnh ở đây là đại dịch COVID-19 và tình trạng y tế khẩn cấp. Hiệu quả mà họ nhắm tới là khuyến khích gian lận.
Một nghiên cứu năm 2012 do Pew thực hiện chỉ ra rằng có gần 12 triệu người chết vẫn được bỏ phiếu ở nước Mỹ. Nghiên cứu còn phát hiện ra rằng có xấp xỉ 24 triệu mẫu đăng ký bầu cử hoặc là không còn hợp lệ hoặc sai lệch đáng kể. Gần 3 triệu người Mỹ có bản đăng ký xin phiếu bầu ở nhiều hơn 1 bang.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu như bạn bắt đầu gửi lá phiếu và đăng ký như vậy? Chắc chắn bạn sẽ làm tăng số lá phiếu gian lận, và đó là chính xác là điều mà đảng Dân chủ đã làm.
Như ở bang Nevada, nơi mà ông Joe Biden đang dẫn trước ông Donald Trump với số phiếu ít hơn 40.000. Đảng Dân chủ ở bang này cùng đội ngũ luật sư của họ đã đảm bảo rằng Nevada đã gửi lá phiếu bầu – chứ không phải đơn xin phiếu bầu – tới mọi cử tri nằm trong danh sách cử tri ở bang này, dù họ có xin phiếu bầu hay không.
Họ đã làm vậy mặc dù hoàn toàn nhận thức được rằng hơn 41.000 người đã đăng ký bỏ phiếu ở Nevada không đi bỏ phiếu hoặc cập nhật thông tin đăng ký cử tri của họ trong suốt hơn 10 năm qua. Rất nhiều người trong số này đã qua đời hoặc đi xa, thế nhưng họ vẫn có lá phiếu của mình.
Một trong số những người như vậy là cựu giáo viên trường tiểu học tên Rosemarie Hartle. Trong bản điếu văn của bà năm 2017, Rosemarie Hartle là người “đáng yêu, vui vẻ, tươi tắn, đẹp, mạnh mẽ, kiên định và đầy cảm hứng”.
Đáng buồn thay, mặc dù đã qua đời, bản đăng ký cử tri của bà vẫn còn đó. Có ai đó đã nhận được lá phiếu của bà Rosemarie Hartle qua đường bưu điện và sau đó...giúp bà bỏ phiếu. Chúng tôi không biết được ai đã làm điều đó. Chúng tôi rất muốn biết, bởi đó là hành động gian lận. Đó là mối đe dọa đối với hệ thống của chúng ta, và nó đang được nhiều hãng truyền thông che giấu để có lợi cho Joe Biden.
Sự che đậy của giới truyền thông
Chúng ta có quyền được biết. Chúng ta có trách nhiệm phải biết nhiều hơn về điều này. Nhưng nhờ sự giấu giếm của giới truyền thông, mà giờ chỉ có những trang tin bảo thủ độc lập như The Federalist mới đăng tải thông tin đáng đăng mà phần còn lại thì không.
Nhờ có hãng tin The Federalist mà chúng tôi biết được rằng vào ngày 9/10, một người đàn ông có tên Fred Stokes Jr. nhận được một lá phiếu bầu phát đi một cách tự nguyện (tức không hề được cá nhân này gửi đơn xin) ở Hạt Clark, Nevada. 3 tuần sau, Hạt này nhận được lá phiếu bầu của Fred qua đường bưu điện. Ghi chép bầu cử chỉ ra rằng lá phiếu bầu này “hoàn thiện”. Fred Stokes đi bỏ phiếu bầu tổng thống, nhưng thực tế là ông đã qua đời từ 3 năm trước. Ông qua đời vào tháng 6/2017, ở tuổi 90.
Ở Pennsylvania, bang giúp ông Joe Biden trở thành tổng thống sơ cử (President-elect), dường như cũng có một số phiếu bầu cử người chết. Làm sao chúng tôi biết được? Vì chính bang đó nói với chúng tôi.
Theo một báo cáo hồi tháng 12 năm ngoái của Cục Tổng kiểm toán, gần 3.000 cử tri đã qua đời vẫn nằm trong danh sách cử tri. Chiến dịch của Trump nói rằng họ đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy một số trong nhóm 3.000 này đã đi bỏ phiếu trong năm nay.
Một ví dụ, vào ngày 24/10, giới chức Hạt Allegheny đã gửi qua đường bưu điện một lá phiếu bầu cho Denise Ondish. Bà đã qua đời trước đó 2 ngày. Nhưng bằng cách nào đó, các ghi chép cho thấy giới chức Hạt này vẫn nhận được lá phiếu bầu cử bà gửi lại cho họ vào ngày 2/11.
Tại sao điều này xảy ra? Làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn nó xảy ra lần nữa? Đó là những câu hỏi cần giải quyết.
Câu hỏi đầu tiên có câu trả lời rất đơn giản: Đảng Dân chủ đã làm điều đó. Họ hiểu rằng khi bạn gửi các lá phiếu qua đường bưu điện tới một danh sách cử tri hoàn toàn chưa được xác nhận, bạn không thể thực sự biết ai đang bỏ phiếu. Và để đảm bảo điều này được che giấu, đảng Dân chủ đệ đơn kiện ở Nevada để tiêu hủy việc xác nhận chữ ký.
Năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, Thượng nghị sĩ Ron Wyden, đảng Dân chủ bang Oregon, đã kiểm duyệt Đạo luật Bỏ phiếu qua Bưu điện (Vote by Mail Act). Đạo luật này yêu cầu mỗi bang gửi lá phiếu bầu qua đường bưu điện tới toàn thể những cử tri có trong danh sách hoàn toàn chưa được xác nhận. Tức là, dù bạn có nộp đơn xin lá phiếu hay không, bạn còn sống hay đã chết…bạn vẫn nhận được lá phiếu qua đường bưu điện.
Trong mùa Hè năm nay, các thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện đã thông qua một thứ gọi là Đạo luật HEROES. Nó không chỉ đơn giản là giúp gửi lá phiếu vắng mặt qua đường bưu điện tới tất cả cử tri Mỹ, mà còn ngăn chặn các bang hạn chế việc thu gom phiếu bầu. Có nghĩa rằng bất cứ ai cũng có thể đi thu gom các lá phiếu từ cả người chết lẫn người sống để rồi đi bỏ phiếu ở các điểm bỏ phiếu, và chả có sự kiểm tra nào cả. Điều này thật điên rồ.
Vào tháng 1 năm sau, đảng Dân chủ có khả năng một lần nữa giành quyền kiểm soát Thượng viện. Nếu điều đó xảy ra, rất nhiều thứ sẽ thay đổi. Nhưng một trong số những điều sẽ xảy ra là, họ sẽ phê duyệt Đạo luật HEROES thành luật có hiệu lực.
Hiện tại, họ đang tuyên bố rằng việc bỏ phiếu qua đường bưu điện trên quy mô rộng khắp là cần thiết do đại dịch COVID-19, nhưng họ đang nói dối. Thực ra họ đã thúc đẩy mô hình này suốt nhiều năm qua chỉ vì một lý do: Nó cho phép họ giành lợi thế bởi làm tăng các vụ gian lận phiếu bầu.
Nếu chúng ta quan tâm tới nền dân chủ này, chúng ta cần phải trong sạch và trung thực trong bỏ phiếu, bất chấp kết quả có ra sao. Đây là hệ thống mà chúng ta cần bảo vệ. Việc gửi phiếu bầu tới danh sách cử tri chưa được xác nhận cho phép cả người chết đi bỏ phiếu. Chính điều này đã khiến chúng ta rơi vào bầu không khí bất tín. Nếu bạn muốn người dân có niềm tin xã hội, nếu bạn muốn họ tin vào hệ thống, thì việc la hét trước mặt họ trên TV và yêu cầu họ phải tin là chưa đủ. Bạn cần phải tạo nên một hệ thống thực sự đáng tin.
Theo Fox News