FLC muốn làm BOT sân bay Đồng Hới, nhưng đặt trụ sở hãng bay ở Bình Định

VietTimes – Công ty CP tập đoàn FLC cho biết đã gửi công văn tới các ban ngành đề nghị được tham gia đầu tư quá trình xây dựng, nâng cấp sân bay Đồng Hới theo hình thức BOT. Đồng thời, doanh nghiệp này chọn sân bay Phù Cát (Bình Định) để đặt trụ sở Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Sân bay Đồng Hới. Ảnh: Dong Hoi Airport
Sân bay Đồng Hới. Ảnh: Dong Hoi Airport

Theo đó, FLC cho biết hiện Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh nâng cấp sân bay và nhà ga hàng không quốc tế Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình.

Do đó, tập đoàn FLC đã có đề xuất chính thức tới các ban, ngành liên quan về việc tham gia đầu tư quá trình xây dựng, nâng cấp sân bay này theo hình thức xây dựng, kinh doanh và chuyển giao (BOT). FLC cam kết triển khai các thủ tục đầu tư, khai thác, vận hành theo các quy định hiện hành.

FLC đánh giá Quảng Bình là một trong những vùng đất sở hữu tiềm năng du lịch lớn nhất Việt Nam nhưng vẫn chưa được khai thác tối ưu. Do đó, việc tập đoàn đầu tư hạ tầng hàng không tại Quảng Bình, nếu được chấp thuận, sẽ tạo tiền đề nâng cấp một sân bay quan trọng của miền Trung để tăng cường thu hút du khách.

Theo FLC, văn bản kiến nghị chính thức trao đổi với các ban, ngành được các bên yêu cầu giữ bảo mật về thông tin.

Liên quan tới việc chuẩn bị vận hành hãng bay Bamboo Airways vào cuối năm 2018, FLC cho biết hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không đã được trình lên các cơ quan chức năng.

Tập đoàn này dự kiến sau khi mọi thủ tục cấp phép được phê duyệt, Bamboo Airways sẽ hoạt động vào cuối quý II, đầu quý III/2018.

FLC cho biết khi Bamboo Airways sẽ đưa khách trong khắp cả nước và ban đầu là khách ở vùng Đông Bắc Á: Như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và xa hơn là khác Nga, Mỹ, Pháp Anh “đến với 10 địa danh nơi có quần thể nghỉ dưỡng của tập đoàn FLC”.

Hiện, Bamboo Airways đã “quyết định đặt trụ sở của hãng tại Bình Định, đồng thời xác định mạng bay chính sẽ kết nối từ sân bay Phù Cát tới các điểm du lịch của tập đoàn FLC và những khu vực khác”.

Đây là lựa chọn khá lạ của FLC. Vì theo công bố, Phù Cát chưa là sân bay quốc tế để phục vụ các đường bay quốc tế mà Bamboo Airways sẽ khai thác. Web site của sân bay này cho thấy năng lực phục vụ của Phù Cát còn khá hạn chế, chỉ là 300 khách/h, đặc biệt là chỉ vận hành được 12h mỗi ngày. Hiện cũng chưa có đường bay quốc tế nào đến sân bay Phù Cát.

FLC muốn làm BOT sân bay Đồng Hới, nhưng đặt trụ sở hãng bay ở Bình Định ảnh 1 Giới thiệu sân bay Phù Cát tại địa chỉ phucatairport.vn

Như vậy, khi Bamboo Airways hoạt động, FLC sẽ phải giải quyết các hạn chế nếu muốn sân bay Phù Cát trở thành trung tâm mạng lưới bay trong nước và quốc tế của hãng bay này.

Và nếu được chấp thuận làm BOT tại sân bay Đồng Hới, FLC gần như trong tình thế phải cấp tập huy động hàng chục nghìn tỷ đồng nâng cấp 2 sân bay cùng lúc.  

Trước đó, tháng 3/2018, FLC đã ký hợp đồng thỏa thuận và đặt cọc đặt mua 24 máy bay A321 NEO với Airbus. Tập đoàn này cho biết cần tới 100 máy bay trong giai đoạn từ nay tới năm 2015. Do đó, FLC đang xúc tiến đàm phán thuê mua thêm 50 máy bay của của Boeing.

Hiện,  FLC đang tiến hành đợt tuyển dụng nhân sự cho Bamboo Airways với nhu cầu lên tới gần 600 vị trí ở nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan tới hàng không.