Cụ thể, theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-ĐHĐCĐ-FLC, 12 ngành nghề được FLC bổ sung gồm:
- Hoạt động xổ số, cá cược và đánh bạc. Chi tiết: Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài (Mã ngành: 9200);
- Vận tải hàng hóa ven biển và viễn dương (Mã ngành: 5012);
- Vận tải hành khách đường thủy nội địa (Mã ngành: 5021);
- Vận tải hàng hóa đường thủy nội địa (Mã ngành: 5022);
- Vận tải hành khách hàng không (Mã ngành: 5110);
- Vận tải hàng hóa hàng không (Mã ngành: 5120);
- Kho bãi và lưu giữ hàng hóa (Mã ngành: 5210);
- Hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường thủy (Mã ngành: 5222);
- Hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không (Mã ngành: 5223);
- Bốc xếp hàng hóa (Mã ngành: 5224);
- Bưu chính (Mã ngành: 5310);
- Chuyển phát (Mã ngành: 5320).
Nghị quyết ủy quyền cho Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC lựa chọn thời gian phù hợp, chủ trì tổ chức triển khai chuẩn bị hồ sơ và thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết liên quan để thực hiện việc đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh của Tập đoàn FLC tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội theo quy định.
Trước đó, cuối tháng 5/2017, FLC đã thông qua việc thành lập công ty con là Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines) với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, FLC góp 100% vốn.
Đại diện FLC cho biết doanh nghiệp mới sẽ có ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng không dân dụng, dù đăng ký công ty có thêm nhiều ngành nghề khác.
Tuy vậy vị này cũng cho biết, việc thành lập công ty mới chỉ là bước đầu tiên, vì tham gia ngành kinh doanh này đòi hỏi rất nhiều thủ tục, điều kiện, hạ tầng... FLC cũng cử Phó tổng giám đốc Đặng Tất Thắng đại diện quản lý toàn bộ vốn góp 700 tỷ đồng vào công ty mới.
Do đó, có thể hiểu rằng, việc ĐHĐCĐ FLC thông qua việc bổ sung các mã nghành vận tải hàng không vào hệ thống ngành nghề kinh doanh tập đoàn là một trong những động thái mở đường và hiện thực hóa cho tham vọng đưa Viet Bamboo Airlines “cất cánh”.
Trong khi việc bổ sung mã ngành 9200 (Hoạt động xổ số, cá cược và đánh bạc. Chi tiết: Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài) có thể được hiểu như một trong những bước dọn đường cho kế hoạch triển khai các dự án casino.
Theo đó, ngày 17/3/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có công văn số 1662/UBND-XD1 về việc chấp thuận cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Faros Vân Đồn (thành viên của Tập đoàn FLC) nghiên cứu đầu tư dự án Tổ hợp dịch vụ du lịch giải trí cao cấp tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Theo phương án đầu tư, dự án sẽ bao gồm nhiều hạng mục như: Khu nghỉ dưỡng resort, khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế, casino, sân golf, vườn thú safari, bảo tàng, khu làng nông nghiệp cộng đồng, thư viện…
“Tổng mức đầu tư dự án (bao gồm 2 khu tại đảo Ngọc Vừng và đảo Vạn Cảnh) dự kiến khoảng 2 tỷ USD trên tổng diện tích 4.000 héc ta (2.500 héc-ta tại đảo Vạn Cảnh và 1.500 hec-ta tại đảo Ngọc Vừng)”, FLC cho hay.
Tuy nhiên, đang có một số luồng ý kiến về tính thực tế của dự án trên. Bởi lẽ, theo quy hoạch chung xây dựng được Thủ tướng phê duyệt trước đó, Khu kinh tế Vân Đồn chỉ có một Khu nghỉ dưỡng phức hợp và công viên chuyên đề tại xã Vạn Yên (Dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn) có hoạt động kinh doanh casino.
Mà theo như Cổng thông tin Điện tử tỉnh Quảng Ninh, đối với Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp có casino tại Vân Đồn, tỉnh khẳng định chủ trương cho Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư duy nhất của Khu phức hợp và casino cho phép người Việt Nam được vào chơi tại đây. Chủ trương này sẽ được trình các cơ quan TW và Thủ tướng Chính phủ.
Cũng nên lưu ý, mã ngành 9200 mà FLC dự định bổ sung vào hệ thống ngành nghề kinh doanh của công ty thực ra chỉ giới hạn ở “Chi tiết: Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài”. Mà hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài thực ra đã phổ biến ở khá nhiều khu du lịch, vui chơi, giải trí trên cả nước; Chẳng hạn như tại casino Đồ Sơn, casino Hạ Long./.