AMD dự kiến tăng vốn lên gấp 3, nghìn tỷ tiêu đâu?

VietTimes -- Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group (HSX: AMD) vừa ban hành Nghị quyết số 16/2017/NQ-HĐQT ngày 10/07/2017 về việc thông qua hồ sơ đăng ký chào bán cổ phần ra công chúng.
AMD đang được truyền thông như một "ông lớn" trong ngành khai thác đá tự nhiên, nhưng chỉ ít lâu trước, vẫn được giới thiệu là hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực liên quan đến đào tạo, tư vấn, quản lý và ứng dụng công nghệ cao... (Ảnh: Internet)
AMD đang được truyền thông như một "ông lớn" trong ngành khai thác đá tự nhiên, nhưng chỉ ít lâu trước, vẫn được giới thiệu là hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực liên quan đến đào tạo, tư vấn, quản lý và ứng dụng công nghệ cao... (Ảnh: Internet)

Theo đó, HĐQT AMD đã quyết nghị thông qua việc triển khai phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ của Công ty năm 2017 đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 thông qua theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-ĐHĐCĐ ngày 29/06/2017.

Cụ thể, công ty sẽ chào bán 129,8 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần) cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện là 1:2 (tại thời điểm chốt danh sách, cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ được 01 quyền mua và cứ 1 quyền mua sẽ được mua 2 cổ phiếu mới).

Tỷ lệ số cổ phần đăng ký chào bán thêm trên tổng số cổ phần hiện có là 200%, có nghĩa, vốn điều lệ của AMD sẽ sắp được nhân 3.

Giá chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu được xác định là 10.000 đồng/cổ phần. Với mức giá này, dự kiến nếu đợt phát hành diễn ra thuận lợi, ADM sẽ huy động được khoảng 1.298 tỷ đồng.

Thời gian dự kiến chào bán, theo Nghị quyết, sẽ do Hội đồng quản trị AMD lựa chọn cụ thể sau khi nhận được quyết định của Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước. Còn thời gian đăng ký mua cổ phiếu dự kiến là trong quý III – IV năm 2017.

Phương thức phân phối là theo phương thức thực hiện quyền. Đối với các cổ đông lưu ký chứng khoán: Phân phối thông qua các thành viên lưu ký của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam; Đối với các cổ đông chưa lưu ký chứng khoán: Phân phối tại trụ sở CTCP Đầu tư và Khoảng sản AMD Group.

Đơn vị tư vấn phát hành là CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI).

Nghị quyết số 16 quy định rõ về phương án xử lý cổ phiếu lẻ, cổ phiếu còn dư. Dù không đề cập rõ về việc hạn chế chuyển nhượng đối với toàn bộ lô cổ phiếu dự kiến phân phối, song trong phần “phương án xử lý cổ phiếu lẻ, cổ phiếu còn dư”, AMD cho biết: phần cổ phiếu lẻ và còn dư được xử lý nói trên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 01 (một) năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2017 và báo cáo kết quả chào bán với Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Cũng tại Nghị quyết, AMD thông qua Hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng của CTCP Đầu tư và khoáng sản AMD Group.

Nghìn tỷ tiêu đâu?

Song song với việc ban hành Nghị quyết về việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, HĐQT AMD đồng thời ban hành Nghị quyết thông qua phương án sử dụng vốn chi tiết thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng. Hay nói cách khác, bên cạnh việc lên kế hoạch huy động vốn thì AMD cũng đã sẵn sàng phương án để “tiêu” số vốn (dự kiến) thu về.

Cụ thể, công ty nghĩ cách “tiêu” 1.297,8 tỷ đồng dự kiến thu về như sau:

(1)    Đầu tư giai đoạn 2 mỏ đá tại núi Loáng, xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa: 160 tỷ đồng;

(2)    Đầu tư giai đoạn 2 mỏ đá tại núi Bền, xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa: 280 tỷ đồng;

(3)    Đầu tư xây dựng nhà máy và hệ thống khai thác mỏ đá tại núi Ác Sơn, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa: 280 tỷ đồng;

(4)    Xây dựng thêm nhà máy chế tác ở Khu công nghiệp Hoàng Long: 250 tỷ đồng;

(5)    Xây dựng kho và đầu tư các showroom, cửa hàng bán đá tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận: 130 tỷ đồng;

(6)    Góp vốn hợp tác đầu tư dự án Tổ hợp Ươm tạo công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực với Viện Quản lý và phát triển Châu Á: 150 tỷ đồng;

(7)    Góp vốn hợp tác với CTCP Thương mại và dịch vụ Đông Sơn để đầu tư dự án Trung tâm thể thao Pháp Việt; dự án Trạm xăng dầu và cửa hàng kinh doanh VLXD tại Tiên Du, Bắc Ninh: 70 tỷ đồng;

(8)    Bổ sung vốn lưu động: 109,6 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy phần lớn số vốn mà AMD dự kiến huy động được sẽ được sử dụng đề đầu tư vào các dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

AMD dự kiến tăng vốn lên gấp 3, nghìn tỷ tiêu đâu? ảnh 1Tổng giá trị của 8 hạng mục đầu tư thực tế không bằng 1.297,6 tỷ đồng như bảng kế hoạch mà AMD công bố. (Ảnh: Chụp từ Nghị quyết của AMD)

Có một chi tiết cần lưu ý, là dù Nghị quyết khẳng định “toàn bộ số tiền thu được được từ đợt phát hành này để bổ sung cho nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty”, đồng thời bảng danh mục sử dụng vốn đã liệt kê ra 08 hạng mục và xác định tổng quy mô là 1.297,6 tỷ đồng – đúng bằng số tiền dự kiến huy động được; Nhưng cộng thực tế số vốn mà AMD dự kiến chi cho từng hạng mục thì tổng giá trị dự chi chỉ là 1.279,6 tỷ đồng (!?).

AMD trước đây có tên là CTCP Đầu tư AMD Group, tiền thân là CTCP FIKOR Việt Nam, được thành lập ngày 20/09/2007 theo Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0103019695 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp, với vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 9,9 tỷ đồng.

Tính đến nay, AMD đã trải qua 17 lần thay đổi Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh, với vốn điều lệ hiện thời là 648.783.940.000 đồng, người đại diện theo pháp luật là Tổng Giám đốc Nguyễn Tiến Dũng.

AMD hiện được thị trường đánh giá như một thành viên trong hệ sinh thái doanh nghiệp của Tập đoàn FLC. Cổ đông lớn nhất của công ty này là CTCP Xây dựng FLC Faros – một trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn HoSE (Mã: ROS). ROS hoàn tất việc thâu tóm 24,38% vốn điều lệ AMD vào thượng tuần tháng 6 vừa rồi.

Chủ tịch của AMD, ông Nguyễn Tiến Đức cũng là một cựu lãnh đạo của Tập đoàn FLC. Bên cạnh đó, ông Đức còn nắm giữ trọng trách tại nhiều doanh nghiệp khác.

Về AMD, hiện công ty này đang được truyền thông như “ông lớn” trong ngành khai thác đá tự nhiên và như một doanh nghiệp đầy tiềm năng trong lĩnh vực khai thác khoảng sản. Nhưng ít người biết rằng, chỉ ít lâu trước, cụ thể là tại Cáo bạch phát hành vào cuối năm 2016, AMD (khi đó vẫn mang tên CTCP Đầu tư AMD Group) vẫn được giới thiệu là hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực liên quan đến đào tạo, tư vấn, nghiên cứu khoa học quản lý và ứng dụng công nghệ cao.

Khi đó, AMD còn tự giới thiệu rằng từ khi thành lập đến năm 2012, AMD Group tập trung chủ yếu vào mảng hoạt động chính là tư vấn đầu tư và tư vấn quản lý kinh doanh. Bước sang năm 2013, nắm bắt xu thế thị trường AMD Group bắt đầu mở rộng sang hoạt động kinh doanh thương mại với các mặt hàng chủ yếu là hàng điện tử, điện lạnh.

Từ năm 2014, với mục tiêu trở thành một doanh nghiệp hoạt động đa ngành, AMD Group đã tìm hiểu, đánh giá và quyết định đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết có thương hiệu và tiềm năng phát triển lớn là: Viện Quản lý và Phát triển Châu Á, Công ty cổ phần Vật tư và khoa học kỹ thuật Acetech, Công ty cổ phần Pink House Việt Nam và CTCP Decohouse…

AMD chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty đại chúng từ tháng 5/2014; đưa cổ phiếu lên niêm yết tại UPCOM ngày 11/11/2014, và chính thức chuyển lên niêm yết tại HOSE kể từ ngày 16/06/2015.

Thời gian vừa qua, AMD từng tạo sóng trên thị trường chứng khoán khi bất ngờ tăng vọt từ khu vực giá 13.000 đồng/cổ phiếu lên đỉnh 23.450 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sự tăng trưởng trên là không bền vững khi đã lại nhanh chóng rơi về khu vực ngang, thậm chí là dưới mệnh giá./.