CTCP Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2021 với doanh thu thuần đạt 1.167,1 tỉ đồng, giảm 67,3% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi giá vốn, FLC báo lãi gộp 309,9 tỉ đồng trong khi cùng kỳ quý 4/2020 báo lỗ gộp 595,67 tỉ đồng.
Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính của FLC chỉ đạt 443,7 tỉ đồng, chưa bằng 1/8 so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, FLC còn ghi nhận khoản lỗ 319,8 tỉ đồng từ công ty liên doanh, liên kết.
Trừ đi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, FLC báo lỗ 14,6 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh (cùng kỳ năm trước báo lãi 2.628 tỉ đồng).
Tuy nhiên, nhờ khoản lợi nhuận khác lên tới 66,8 tỉ đồng, FLC báo lãi trước thuế 52,1 tỉ đồng trong quý 4/2021.
Với kết quả này, luỹ kế cả năm 2021, FLC báo lãi trước thuế 162,7 tỉ đồng, giảm 61% so với năm 2020. Trừ đi chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, FLC báo lãi ròng 83,5 tỉ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 84,4 tỉ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2020.
Một số chỉ tiêu kinh doanh của FLC |
Theo ghi nhận của VietTimes, nhiều chỉ tiêu kinh doanh của FLC có xu hướng giảm sau khi tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết giảm tỉ lệ sở hữu tại CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) xuống chỉ còn 39,4% vào tháng 2/2021.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong năm 2021, Bamboo Airways đã 4 lần tăng vốn, nâng quy mô vốn điều lệ từ 7.000 tỉ đồng lên 18.500 tỉ đồng.
Tại ngày 31/12/2021, FLC chỉ còn nắm giữ 21,7% vốn Bamboo Airways với giá gốc khoản đầu tư được ghi nhận đạt 4.015 tỉ đồng. Đáng chú ý, FLC cũng ghi nhận phần lỗ tại Bamboo Airways lên tới 501,3 tỉ đồng, tăng 456,4 tỉ đồng so với thời điểm cuối quý 3/2021.
Các đợt tăng vốn của Bamboo Airways |
Cùng với đó, FLC cũng ghi nhận khoản góp vốn 867,75 tỉ đồng vào CTCP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding (FLC Holding). Công ty này được thành lập vào tháng 10/2019, tiền thân là CTCP Đầu tư thương mại Tre Việt.
FLC Holding ban đầu có quy mô vốn điều lệ 100 tỉ đồng, sáng lập bởi 3 thể nhân, bao gồm: ông Vũ Anh Tuân (25% VĐL), ông Lê Văn Sắc (55% VĐL) và ông Trần Văn Toản (20% VĐL).
Đến tháng 1/2021, FLC Holding lần lượt tăng mạnh vốn điều lệ lên 12.000 tỉ đồng và 15.300 tỉ đồng.
Ngoài các hoạt động đầu tư, số dư khoản phải thu về cho vay ngắn hạn của FLC cũng có xu hướng tăng so với đầu năm 2021, ở mức 6.145,2 tỉ đồng.
Trong đó, có thể kể tới một số pháp nhân có dư nợ lớn với FLC như: CTCP Đầu tư và Kinh doanh bất động sản An Cường (978,3 tỉ đồng), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển ITH (817,7 tỉ đồng), CTCP Đầu tư và phát triển Châu Me (783,4 tỉ đồng). Bên cạnh đó, FLC còn cho vay các đối tượng khác 3.179,6 tỉ đồng, tăng 1,8 lần so với đầu năm.
Thành lập từ tháng 11/2018, CTCP Đầu tư và Kinh doanh bất động sản An Cường (An Cường) ban đầu có vốn điều lệ 350 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Nguyễn Văn Mạnh (55% VĐL), ông Trịnh Văn Đại (30% VĐL) và ông Trịnh Văn Nam (15% VĐL).
Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của FLC đạt 33.787,4 tỉ đồng, giảm 10,7%; vốn chủ sở hữu đạt 9.722,5 tỉ đồng, giảm 27,58% so với đầu năm./.