“Fintech đừng đợi pháp lý mà hãy cứ làm đi”

VietTimes — “Vừa làm vừa ngó” là mô tả của nhiều nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực Fintech (tài chính công nghệ). Khi khung pháp lý chưa hoàn thiện, những chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng, Fintech dù là mảnh đất nhiều màu mỡ nhưng cũng không kém phần thách thức cho những tay chơi muốn nhảy vào. Trong bối cảnh đó, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Đình Thắng gửi lời khuyên: “Fintech đừng đợi pháp lý mà hãy cứ làm đi”.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Ngân hàng LienVietPostBank, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam.

Tại hội thảo Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam lần thứ 24 chủ đề: Định hình tương lai Fintech Việt Nam, pháp lý tiếp tục là vấn đề được quan tâm nhiều nhất khi nói về tương lai ngành Fintech Việt.

Đừng đợi chính sách

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước) pháp lý lĩnh vực Fintech của Việt Nam đang bị chậm so với sự phát triển của công nghệ, thị trường. Các đề án liên quan đến thí điểm cho các hoạt đông Fintech trong lĩnh vực ngân hàng vẫn đang trong thời gian chờ phê duyệt.

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) khẳng định: “Fintech đừng đợi pháp lý mà hãy cứ làm đi”.

Theo ông Phạm Xuân Hòe - có đến 84% hội đông cấp cao của ngân hàng khẳng định sẽ hợp tác vơi Fintech trong tương lai để cùng phát triển dựa trên thế mạnh sẵn có của mỗi bên. Bên cạnh đó, theo thống kê từ phía Đại học Quốc gia TP.HCM, có đến 70% công ty fintech ở Việt Nam là các công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư từ nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Singapore, Malaysia v.v

Sự hiện diện của các quỹ đầu tư ngoại, cũng như nhu cầu trong nước được cho là sẽ mở ra môt tương lai sáng sủa hơn cho chị trường Fintech Việt.

Hội thảo "Tương lai Fintech Việt"

Gỡ nút thắt pháp lý

Cũng như những mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, đặt xe công nghệ v.v, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech vẫn tiếp tục với bài toán chinh phục thị trường và người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh chính sách hỗ trợ và hành lang pháp lý xung quanh mô hình này vẫn chưa được xây dựng.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long nhận định dù Việt Nam có môi trường tốt cho các doanh nghiệp Fintech phát triển nhưng “chính sách hỗ trợ của Nhà nước lại thiếu giải pháp cụ thể. Việt Nam và Philippines là 2 trong 6 nước đang phát triển Fintech ở khu vực là chưa có cơ chế thử nghiệm (sandbox).”

Nói về Sandbox, đây là khung thể chế thí điểm, cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định.

Ông Phạm Xuân Hòe chia sẻ: “Sẽ còn mất khá nhiều thời gian để dự án Sandbox có hiệu lực pháp lý, nhất là khi việc quản lý ngân hàng bao gồm cả việc quản trị rủi ro liên quan tới chức năng thanh toán và tín dụng.”

Trong bối cảnh đó, ông cũng khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách cần nhanh bước hơn, trành việc để doanh nghiệp “vừa làm vừa đợi”.

Nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm tới Fintech

Những con số khả quan

Theo thống kê của Vụ thanh toán, nếu như trong năm 2016, số chỉ có khoảng 40 công ty Fintech thì đến cuối tháng 6-2019, số lượng doanh nghiệp Fintech Việt Nam đã tăng lên 150 công ty. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp Fintech đã giúp giảm đến 10% lượng tiền mặt lưu thông.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước), dự kiến doanh thu từ các Fintech đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 9 tỷ.

Đây có thể được xem là những con số đầy khả quan đối với thị trường Fintech trong nước, vốn còn rất nhiều “non trẻ và hoang dã” như lời nhân xét của ông Lâm Nguyễn Hải Long – Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM.

Nếu như trước đây, nhiều lo ngại cho rằng Fintech sẽ trở thành mối đe dọa của ngân hàng, thì hiện tại phía ngân hàng lại trở nên cởi mở hơn đối với việc hợp tác với những đối tác công nghệ - cụ thể là các doanh nghiệp Fintech.