Financial Times: Việt Nam mấp mé bờ vực giảm phát

Tờ báo ghi nhận lần đầu tiên kể từ khi thu thập số liệu, tăng trưởng giá cả tại Việt Nam ở mức âm. Thực tế này đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia đang mấp mé bờ vực giảm phát, trong đó có Nhật Bản và Anh Quốc.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Dominic Rossi, Giám đốc đầu tư của công ty Fidelity Worldwide Investment, đã gọi tên xu hướng này là “làn sóng giảm phát thứ ba”, miêu tả một đợt sụt giảm nhu cầu, giá hàng hóa và chi phí sản xuất.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam giảm 0,21% trong tháng Chín. Tính chung 3 quý, CPI đang ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Đây cũng là lần đầu tiên trong 10 năm, chỉ số giá tăng âm.

Từ đầu năm, hiện lạm phát mới ở mức 0,4% - thấp nhất trong vòng một thập kỷ và cách xa giới hạn mà Quốc hội thông qua là 5%.

Chỉ số giá giảm tốc trong tháng Chín do có đến 4 trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính đi xuống. Giá xăng hai lần được điều chỉnh giảm làm cho nhóm giao thông giảm 3,17%. Giá gas giảm từ 1/9, nhu cầu sử dụng điện giảm đi do thời tiết mát mẻ hơn, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm giảm nhẹ cũng tác động vào CPI.

Số liệu đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với Việt Nam – một nước từng lao đao với tình trạng giá cả tăng vượt kiểm soát, đỉnh điểm là tỷ lệ lạm phát 774% trong năm 1988, Financial Times nhận xét.

Một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc từng so sánh: “Nếu đặt mức giá cả (của Việt Nam) năm 1976 là 100, thì mức giá năm 1981 là 313, năm 1984 là 1.400 và năm 1985 sẽ là 2.390”.

Theo chỉ số giá tiêu dùng châu Á do Bloomberg thống kê, chỉ số chung của cả khu vực dao động quanh mốc 2% trong quý II, bằng một nửa tỷ lệ của đầu năm 2012 và thấp hơn 1/3 so với tỷ lệ năm 2011.

Sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ vào trung tuần tháng 11, Việt Nam phản ứng bằng cách nới rộng biên độ giao dịch của tiền đồng từ 1 lên 3%. Từ đó tới nay, tiền đồng đã giảm giá 3% xuống 22.486VND/USD.

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho biết yếu tố trên có thể nâng 0,7% CPI từ giờ tới cuối năm, và tái khẳng định mục tiêu lạm phát 5 – 8% là phù hợp cho tăng trưởng kinh tế.

Theo Tổng cục thống kê, lạm phát thấp không phải do tổng cầu giảm mà hoàn toàn do yếu tố chi phí đẩy giảm. Biến động của lạm phát chung phụ thuộc vào diễn biến giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng Nhà nước quản lý chứ không xuất phát từ lạm phát cơ bản.

Đồng quan điểm, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho rằng nguyên nhân chủ yếu do giá cả hàng hóa giảm, nhất là giá dầu và chi phí sản xuất kinh doanh đi xuống.

"Việt Nam không cần lo ngại về giảm phát, chúng ta còn xa mới chạm đến tình trạng này", ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB khẳng định. 

Theo Bizlive