Trong suốt hơn hai thập niên qua, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đã khẳng định vai trò trụ cột của mình trong cấu trúc kinh tế Việt Nam. Chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp, khu vực này đóng góp khoảng 45% GDP và tạo việc làm cho hơn 60% lực lượng lao động toàn quốc. Thế nhưng, nghịch lý vẫn hiện hữu: khi nhắc đến dòng vốn tín dụng chính thức, phần lớn các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa (DNNVV) lại đứng ngoài cuộc chơi.

Theo số liệu từ Hiệp hội DNNVV Việt Nam, chỉ khoảng 30% trong số họ thực sự tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng - một tỷ lệ thấp đáng báo động trong bối cảnh yêu cầu chuyển đổi số, nâng cao năng suất và đầu tư công nghệ ngày càng trở nên sống còn.
Nhìn nhận rõ điểm nghẽn này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân - trong đó khối DNNVV là đối tượng trọng tâm được hỗ trợ tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn. Đây không chỉ là một chủ trương mang tính khuyến khích mà là một chiến lược định hướng rõ ràng với lộ trình cụ thể. Vấn đề còn lại là: doanh nghiệp có biết tận dụng không - và tận dụng bằng cách nào?
Các chính sách tín dụng trọng tâm trong Nghị quyết 68
Để hỗ trợ khối DNNVV tiếp cận được nguồn lực tài chính một cách thực chất, Nghị quyết 68 đã đưa ra hàng loạt chính sách cụ thể và trực diện vào những điểm nghẽn vốn tồn tại lâu nay.
Không còn dừng lại ở những khẩu hiệu khuyến khích, Nghị quyết lần này cho thấy một định hướng rõ ràng trong việc thiết kế lại hệ thống tín dụng theo hướng thân thiện hơn, linh hoạt hơn và phù hợp với đặc thù của các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.
Một trong những điểm đột phá đáng chú ý nhất trong Nghị quyết 68 là việc thay đổi căn bản cách tiếp cận tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với DNNVV.
Thay vì tập trung vào tài sản thế chấp truyền thống như bất động sản hay máy móc thiết bị - vốn là rào cản lớn với phần đông doanh nghiệp quy mô nhỏ - chính sách mới khuyến khích tổ chức tín dụng chuyển trọng tâm sang đánh giá dòng tiền, phương án kinh doanh, tài sản vô hình và thậm chí là cho vay tín chấp.

Với định hướng mới này, doanh nghiệp nếu chứng minh được năng lực vận hành ổn định, kế hoạch kinh doanh khả thi và dòng tiền dự phóng hợp lý, hoàn toàn có thể được ngân hàng xem xét cấp tín dụng.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng được khuyến khích xây dựng các sản phẩm tín dụng chuyên biệt cho nhóm DNNVV, thay vì áp dụng một mô hình chung như trước đây. Ví dụ, các gói vay ngắn hạn linh hoạt dựa trên chu kỳ thu - chi của doanh nghiệp hoặc các sản phẩm tài trợ theo chuỗi cung ứng đang được thử nghiệm rộng rãi.
Thêm vào đó, việc thừa nhận tài sản hình thành trong tương lai và tài sản vô hình như thương hiệu, hợp đồng có giá trị, bằng sáng chế hay phần mềm làm tài sản đảm bảo cũng là một bước tiến phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Đối với các doanh nghiệp startup hay công nghệ, đây chính là cơ hội để tiếp cận dòng vốn chính thức - điều mà trước đây gần như không thể.
Thứ hai, Nghị quyết 68 không chỉ dừng lại ở việc thay đổi cách tiếp cận tín dụng truyền thống, mà còn tập trung vào việc củng cố vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng và Quỹ phát triển DNNVV - được xem là "bàn tay nối dài" giữa doanh nghiệp và hệ thống tài chính.
Một trong những khó khăn lớn nhất của DNNVV hiện nay là không đáp ứng đủ tiêu chuẩn vay vốn, cho dù có mô hình kinh doanh tiềm năng. Các quỹ bảo lãnh sẽ đứng ra đảm bảo cho các khoản vay, giúp doanh nghiệp tăng tính khả thi trong mắt ngân hàng.
Đáng chú ý, Nghị quyết yêu cầu mở rộng đối tượng được bảo lãnh, giảm thiểu thủ tục hành chính, đồng thời minh bạch hóa quy trình giải ngân để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Hơn thế nữa, các quỹ này cũng sẽ được phép cấp vốn trực tiếp, đặc biệt cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hoặc phát triển mô hình kinh doanh xanh, tuần hoàn. Chính sách không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước mà còn đa dạng hóa nguồn vốn từ khu vực tư nhân, tổ chức tài chính quốc tế và doanh nghiệp lớn, từ đó mở rộng quy mô tài trợ và giảm áp lực lên ngân sách.
Một điểm sáng đặc biệt trong Nghị quyết 68 là việc mở rộng các kênh tài chính thay thế – điều mà các doanh nghiệp khởi nghiệp, công nghệ và mô hình kinh doanh sáng tạo luôn kỳ vọng.
Theo đó, Chính phủ sẽ thử nghiệm và hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình cho vay ngang hàng (P2P lending), gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) và cho thuê tài chính. Đây là các mô hình tài chính phi truyền thống, không yêu cầu tài sản đảm bảo cố định, mà dựa trên uy tín, hồ sơ kinh doanh và năng lực tăng trưởng của doanh nghiệp.
Mô hình P2P lending giúp kết nối trực tiếp doanh nghiệp cần vốn với cá nhân hoặc tổ chức có tiền nhàn rỗi, mà không cần qua trung gian ngân hàng. Với điều kiện là minh bạch thông tin, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể huy động vốn nhanh chóng - phù hợp cho các nhu cầu vốn lưu động, mở rộng quy mô nhỏ hoặc đầu tư thử nghiệm sản phẩm.
DNNVV cần chuẩn bị gì để tận dụng hiệu quả chính sách?
Trong bối cảnh tín dụng ngày càng gắn chặt với dữ liệu và đánh giá định lượng, hệ thống tài chính - kế toán trở thành "tấm hộ chiếu" để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn chính thống.
Tuy nhiên, thực trạng tại Việt Nam lại cho thấy một bức tranh vẫn còn nhiều thứ ngổn ngang trong nhiều thập niên qua. Phần lớn các DNNVV không có báo cáo tài chính được kiểm toán, và phần lớn vẫn duy trì hình thức kế toán thủ công hoặc không đạt chuẩn theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam.
Hệ quả là họ không chỉ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, các doanh nghiệp còn tự đánh mất cơ hội thu hút vốn đầu tư từ các quỹ trong và ngoài nước - những tổ chức luôn yêu cầu báo cáo tài chính minh bạch, có kiểm toán và dữ liệu dòng tiền rõ ràng trong ít nhất ba năm gần nhất.
Một hệ thống kế toán thiếu chuẩn hóa khiến tổ chức tín dụng không thể đánh giá được khả năng trả nợ, tính bền vững của hoạt động kinh doanh, cũng như mức độ rủi ro tín dụng của doanh nghiệp.
Do đó, việc chuẩn hóa hệ thống kế toán - từ việc sử dụng phần mềm kế toán đạt chuẩn, áp dụng quy trình kế toán khép kín đến việc thuê kiểm toán độc lập định kỳ - là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể nằm trong radar của các tổ chức tài chính hiện đại.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các phần mềm kế toán tích hợp (như MISA, FAST, Bravo…) không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nhân sự kế toán, mà còn tạo nền tảng để tiến tới chuyển đổi số toàn diện trong hệ thống quản trị tài chính.
Nếu coi báo cáo tài chính là bức tranh kết quả tài chính trong quá khứ thì phương án kinh doanh chính là lời hứa của doanh nghiệp cho triển vọng tương lai. Trong môi trường tín dụng hiện đại, các tổ chức tín dụng đang chuyển trọng tâm từ việc cho vay dựa trên tài sản sang cho vay dựa trên các hợp đồng đầu ra và năng lực dòng tiền của doanh nghiệp.
Điều này có nghĩa là một phương án kinh doanh được xây dựng bài bản, có dữ liệu, kế hoạch hành động và dòng tiền chi tiết từ các hợp đồng kinh tế có tính tin cậy sẽ là yếu tố then chốt để được cấp tín dụng.
Một phương án kinh doanh hiệu quả không chỉ cần xác định rõ mục tiêu, thị trường, khách hàng mục tiêu, mà quan trọng hơn là khả năng tạo ra dòng tiền trong tương lai và kế hoạch sử dụng vốn cụ thể.
Theo kinh nghiệm từ các chuyên gia tín dụng, nhiều hồ sơ bị từ chối chỉ vì doanh nghiệp không có bảng dự báo dòng tiền 12 tháng tới, hoặc không thể giải trình rõ khoản vay sẽ được sử dụng như thế nào và hoàn vốn ra sao.
Đặc biệt, trong bối cảnh ngân hàng sử dụng hệ thống chấm điểm tín nhiệm nội bộ trên nền tảng công nghệ AI ngày càng nhiều trong thời gian tới, thì tính hợp lý của dòng tiền - bao gồm doanh thu kỳ vọng, chi phí vận hành, khấu hao, thuế, lợi nhuận và lịch trả nợ - sẽ được chấm điểm tự động và đưa vào mô hình định lượng.
Chỉ cần một sai số nhỏ, ví dụ như kỳ vọng dòng tiền âm trong quý II hoặc chi phí vượt biên độ cho phép, ngân hàng có thể yêu cầu điều chỉnh phương án hoặc thậm chí từ chối tín dụng.
Do đó, DNNVV cần coi việc xây dựng phương án kinh doanh không chỉ là hình thức làm hồ sơ vay vốn, mà là công cụ quản trị chiến lược, giúp minh bạch hóa tư duy tài chính và định hướng phát triển dài hạn, từ đó tăng mức uy tín tín dụng đối với các tổ chức tín dụng.

Cuối cùng là khả năng chuyển đổi số hệ thống quản trị của doanh nghiệp để tích hợp với hệ sinh thái tài chính. Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà tín dụng không còn diễn ra sau cánh cửa phòng giao dịch ngân hàng, mà được tự động hóa, dữ liệu hóa và ra quyết định trong vài giờ thông qua các thuật toán đánh giá hành vi và dữ liệu thời gian thực.
Điều đó đặt ra một yêu cầu tất yếu: doanh nghiệp muốn tiếp cận dòng vốn hiện đại phải số hóa hệ thống quản trị, đặc biệt là các khâu có liên quan trực tiếp đến tài chính như kế toán, kho vận, mua hàng, bán hàng và dòng tiền.
Việc sử dụng các phần mềm quản trị ERP hoặc các giải pháp phần mềm chuyên biệt như CRM (quản lý khách hàng), HRM (quản lý nhân sự), phần mềm hóa đơn điện tử, chữ ký số… không chỉ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn mà còn tạo ra dữ liệu minh bạch, dễ dàng tích hợp vào các hệ thống ngân hàng hoặc nền tảng đánh giá tín dụng.
Nghị quyết 68 là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Chính phủ đang chủ động chuyển mình để hỗ trợ thực chất hơn cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là DNNVV. Tuy nhiên, việc chính sách có đi vào cuộc sống hay không còn phụ thuộc vào mức độ chủ động và quyết tâm thay đổi từ chính các doanh nghiệp.
"Cánh cửa" tín dụng đang mở rộng - nhưng chỉ dành cho những ai đủ năng lực bước qua. Bắt đầu từ việc minh bạch hóa tài chính, chuẩn hóa phương án kinh doanh và số hóa quản trị – mỗi DNNVV sẽ phải tự vẽ lại lộ trình tiếp cận vốn của mình.
