Financial Times: Mỹ muốn đưa ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc trở về thời kỳ đồ đá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi lệnh cấm chip mới nhất của Mỹ có hiệu lực vào ngày 12/10, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, liệu có phải chỉ mỗi Trung Quốc thiệt hại và thiệt đến mức nào...  
Cuộc chiến về chip Mỹ - Trung đã đến hồi quyết liệt, Mỹ quyết triệt hạ ngành công nghiệp chip Trung Quốc (Ảnh: Getty).
Cuộc chiến về chip Mỹ - Trung đã đến hồi quyết liệt, Mỹ quyết triệt hạ ngành công nghiệp chip Trung Quốc (Ảnh: Getty).

Nhìn chung, nhiều ý kiến cho rằng, nếu các công ty Trung Quốc bị cắt hoàn toàn nguồn cung chip cao cấp dưới 14 nanomet, có thể ảnh hưởng đến ưu thế dẫn đầu của Trung Quốc trong các ngành trí tuệ nhân tạo (AI) và xe năng lượng mới. Đặc biệt, bị hạn chế bởi các quy định mới nhất, một bộ phận các nhà quản lý cao cấp quốc tịch Mỹ được cho là đã rút khỏi các nhà máy bán dẫn của Trung Quốc, ảnh hưởng trực tiếp đến các điểm mấu chốt của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. Giới quan sát thị trường cho rằng, tác động ngắn hạn của việc Mỹ leo thang lệnh cấm đối với Trung Quốc là rất lớn, và "nước Mỹ đã thắng ròng", còn về hiệu ứng lâu dài thì tùy thuộc vào việc Trung Quốc có khả năng tự chủ phát triển công nghệ hay không.

Ngày 7/10, Chính phủ Mỹ đã công bố các quy định mới về chip. Việc cấm xuất khẩu chip cao cấp và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc đã được mở rộng từ dưới 10 nanomet lên dưới 14 nanomet (nanomet càng thấp, chip càng cao cấp), bao gồm chip điện toán cao liên quan đến AI và siêu máy tính., cũng như các sản phẩm như thẻ nhớ NAND Flash từ 128 layers trở lên.

Chính phủ Mỹ cũng đã đưa ra một át chủ bài, cấm các nhân tài công nghệ của Mỹ (bao gồm công dân Mỹ, người thường trú có thẻ xanh hoặc các thực thể pháp nhân được thành lập theo pháp luật Mỹ) giúp Trung Quốc “phát triển” hoặc “sản xuất” các loại chip cao cấp mà không có sự cho phép của Mỹ.

Kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 12/10, theo các cơ quan truyền thông Trung Quốc như Nhật báo Khoa học kỹ thuật và báo chí nước ngoài, các công ty bán dẫn của Mỹ như Applied Materials, KLA Corporation, Lam Research và Tokyo Electron đã liên tiếp rút các kĩ sư quốc tịch Mỹ khỏi các tập đoàn của Trung Quốc như Huawei, YMTC, Shanghai IC và Hangzhou Jihai (FHC)…

Theo một cuộc điều tra được Wall Street Journal ngày 16/10 đưa tin, ít nhất 43 quan chức điều hành người Mỹ nắm giữ các vị trí cốt lõi trong 16 công ty bán dẫn niêm yết của Trung Quốc như giám đốc điều hành (CEO) hoặc phó chủ tịch và các cấp khác, hiện đang bị mắc kẹt bởi tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa ở Trung Quốc làm việc hoặc giữ quốc tịch Mỹ.

Các nhà quản lý người Mỹ gốc Hoa của các công ty Trung Quốc đang ở thế tiến thoái lưỡng nan: giữ việc làm hay quốc tịch Mỹ?

Ông Doãn Chí Nghiêu, người sáng lập và Chủ tịch AMEC, doanh nhân xuất sắc nhất Trung Quốc năm 2021 mang quốc tịch Mỹ (Ảnh: Sina).

Ông Doãn Chí Nghiêu, người sáng lập và Chủ tịch AMEC, doanh nhân xuất sắc nhất Trung Quốc năm 2021 mang quốc tịch Mỹ (Ảnh: Sina).

Theo báo chí, người sáng lập Doãn Chí Nghiêu (Gerald Yin) và sáu giám đốc điều hành của Advanced Micro (AMEC); Thư Thanh Minh, phó giám đốc Giga Davice Bắc Kinh và giám đốc Trình Thái Nghi; Trần Hưng Long, giám đốc điều hành KINGSEMI Thẩm Dương đều là công dân Mỹ hoặc có thẻ xanh của Mỹ.

Theo ước tính của các nhà phân tích được Nikkei Asia trích dẫn, có hàng trăm giám đốc điều hành người Mỹ hiện làm việc trong các công ty bán dẫn của Trung Quốc.

Trên Weibo cũng lộ diện bản danh sách gần 40 nhà quản lý người Mỹ làm việc ở 12 công ty bán dẫn Trung Quốc.

Một nhân viên của một nhà máy bán dẫn lớn của Mỹ ở Đài Bắc, yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề, nói rằng các giám đốc điều hành của công ty này ở Trung Quốc từ lâu đã được thay thế bằng nhiều người Mỹ gốc Hoa, nhưng không ai sống tại nhà máy, do đó, hiện chưa có vấn đề sơ tán.

Nhân viên này cho biết công ty chỉ bị ảnh hưởng bởi các chip cao cấp kể từ khi chính quyền Trump cấm chip với Trung Quốc, nhưng họ có thể tiếp tục giao hàng cho khách hàng Trung Quốc vì đã có được giấy phép của chính phủ. Đối với các quy định mới, bà cho biết tác động đến công ty hiện cũng hạn chế.

Tuy nhiên, bà cho biết kể từ năm ngoái, do những rủi ro về chính sách, nhà máy lớn này có trụ sở chính tại Vịnh San Francisco của Mỹ đã giảm đáng kể tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là việc cung cấp chip máy tính xách tay cho các công ty Trung Quốc như Huawei và Xiaomi bị giảm nhiều.

Ông Joe Biden được cho là mạnh tay hơn người tiền nhiệm Donald Trump trong cuộc đấu về chip với Trung Quốc (Ảnh: AP).

Ông Joe Biden được cho là mạnh tay hơn người tiền nhiệm Donald Trump trong cuộc đấu về chip với Trung Quốc (Ảnh: AP).

Các công ty bán dẫn Mỹ: Joe Biden mạnh tay hơn Donald Trump

Bà này cũng nói rằng giới công nghiệp bán dẫn thực sự cảm thấy rằng "Biden mạnh tay hơn Trump". Tuy nhiên, các công ty Mỹ đều biết rằng chính phủ Mỹ đang bảo vệ sức cạnh tranh tổng thể của ngành bán dẫn Mỹ, cho nên chỉ cần thích ứng được áp lực ngắn hạn thì về lâu dài có thể chấp nhận, đặc biệt là các công ty niêm yết lớn chỉ có thể tuân thủ các chính sách và luật pháp của Mỹ, không có chỗ cho việc vi phạm pháp luật.

Liên quan đến việc Mỹ leo thang lệnh cấm chip đối với Trung Quốc, một số nhà phân tích cho rằng điều này tương đương với việc đẩy Trung Quốc vào tình thế tuyệt vọng "đánh cho chết" ở mọi góc độ bán hàng, sản xuất, công nghệ và nhân tài. Họ nói rằng, trong những năm gần đây, việc Mỹ ngăn chặn ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đã mở rộng từ lệnh trừng phạt đơn điểm đối với Huawei sang “bóp cổ” liên quan đến chip cao cấp quân sự, và bây giờ đã mở rộng thành lệnh cấm toàn diện. Tờ Financial Times thậm chí còn mô tả, Mỹ muốn "đưa ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc trở về thời kỳ đồ đá".

Về vấn đề này, ông Lý Thành Đông, một nhà phân tích công nghệ và là người sáng lập Dolphin Think Tank, cơ quan tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng sự leo thang của lệnh cấm chip của Mỹ sẽ có tác động tiêu cực rất lớn trong ngắn hạn đối với Trung Quốc vốn đã đồng thuận thị trường; tuy Mỹ cũng bị tổn thất, nhưng thiệt hại của Trung Quốc lớn hơn nhiều, vì cơ sở sản xuất chip của Trung Quốc còn mỏng yếu, trước mắt nếu mất đi mắt xích nào thì dù Trung Quốc có đầu tư nhiều tiền cũng không thể làm được, đặc biệt là các ứng dụng bên dưới của chip, chẳng hạn như sản xuất điện thoại di động, AI và xe tự lái sẽ tăng độ khó, đặc biệt là phụ thuộc vào sắc mặt của Mỹ, phải xin giấy phép xuất khẩu từng cái một.

Nhiều nhân tài trong ngành chip Trung Quốc là người Mỹ (Ảnh: FT).

Nhiều nhân tài trong ngành chip Trung Quốc là người Mỹ (Ảnh: FT).

Liệu Trung Quốc sẽ thất bại hay sẽ tăng tốc độ tự chủ về công nghệ?

Lấy các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei làm ví dụ, Lý Thành Đông đánh giá các công ty Mỹ thiệt hại khoảng 10 tỷ USD do nguồn cung chip Huawei bị gián đoạn, nhưng điện thoại Apple đã bán được thêm ít nhất hàng chục tỷ USD ở Trung Quốc, v.v. Về ngắn hạn, các công ty Hoa Kỳ vẫn “thắng ròng”.

Tuy nhiên, ông cho rằng về lâu dài, có hai kịch bản có thể xảy ra, một là Trung Quốc bế tắc và rơi vào tình trạng thất bại, hai là Trung Quốc tăng tốc tự chủ công nghệ và có cơ hội chiến thắng.

Ông nói: "Trước tình hình ì ạch hiện nay, tất nhiên Mỹ có thể thắng lớn, và Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều nhất, kể cả các đồng minh châu Âu bị bắt chẹt ngày càng nhiều, hoặc các công ty Nhật Bản, kể cả TSMC, tất cả đều sẽ bị ảnh hưởng. Chỉ có Mỹ thắng, còn những người khác đều thua ... Tình huống thứ hai là Trung Quốc có thể tự làm được thông qua việc tự học hỏi. Mặc dù có thể không làm được những loại chip tiên tiến nhất, chẳng hạn như như 5nm, 3nm, 2nm của TSMC nhưng có thể đáp ứng được các yêu cầu chủ đạo như 14nm hay 7nm, hoặc một số chip tùy chỉnh TQ cũng có thể phát triển được, vì chúng không đòi hỏi độ chính xác cao; như vậy có thể dẫn đến kết quả là Trung Quốc có thể được hưởng lợi nhiều hơn".

Lý Thành Đông nói, khả năng cao là Trung Quốc có thể đạt được tự chủ về công nghệ trong 5-8 năm nữa, tuy nhiên vẫn có thể tụt hậu so với các quy trình sản xuất tiên tiến nhất.

Ông Lý Thành Đông, người sáng lập Dolphin Think Tank Bắc Kinh (Ảnh: FT).

Ông Lý Thành Đông, người sáng lập Dolphin Think Tank Bắc Kinh (Ảnh: FT).

Ông cũng nói, đối với cuộc đại chiến nhân tài chip Mỹ - Trung, đa số các nhà quản lý người Mỹ gốc Hoa được các công ty Trung Quốc tuyển dụng nên chọn ở lại Trung Quốc vì lệnh cấm của Mỹ không đưa ra giải pháp.

Lý Thành Đông nói: "Nếu tôi là một (nhân tài công nghệ người Mỹ) được giao nhiệm vụ phục vụ (ở Trung Quốc), khả năng cao là tôi sẽ rời đi; nhưng tôi nghĩ các nhân lực do công ty đầu tư và xây dựng nhà máy ở Trung Quốc tuyển dụng có thể sẽ ở lại vì Mỹ chưa đưa ra giải pháp. Tức là Mỹ để bạn đi, nhưng khi bạn quay lại Mỹ, bạn có thể đến công ty nào không? Đến Intel? Hay đến TSMC? Họ (Mỹ) không có phương án giải quyết! "

Ông Hoàng Tề Nguyên, một nhà đầu tư mạo hiểm cấp cao ở Đài Bắc và chủ tịch FCC Partners, cũng cho rằng cuộc chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc đã bước vào cục diện mới, Mỹ đưa ra chính sách ngành nghề mới, dùng cánh tay vươn dài, liên kết các cường quốc bán dẫn khác để bao vây kiềm chế Trung Quốc. "Tất nhiên là họ rất mạnh", nhưng mức độ chèn ép trong tương lai phụ thuộc vào sự đấu tranh của các quốc gia khác, bởi vì không phải tất cả các quốc gia đều nghe theo Mỹ và chịu từ bỏ thị trường chip Trung Quốc.

Theo Nikkei Asia, các tập đoàn bán dẫn khổng lồ SK Hynix, Samsung Electronics của Hàn Quốc và nhà máy Nam Kinh của TSMC Đài Loan đều đã được chính phủ Mỹ miễn trừ một năm để tiếp tục cung cấp hàng cho Trung Quốc.

Trong 16 nhà máy chip Trung Quốc hiện có tới 42 nhà quản lý người Mỹ (Ảnh: FT).

Trong 16 nhà máy chip Trung Quốc hiện có tới 42 nhà quản lý người Mỹ

(Ảnh: FT).

Mỹ phát động cuộc chiến nhân tài chip, Trung Quốc có thể săn trộm nhân tài với giá cao

Trong một cuộc phỏng vấn VOA, ông Hoàng Tề Nguyên cho biết, không giống như Mỹ, Trung Quốc rất coi trọng thông tin cá nhân và quyền riêng tư; vì vậy sự tiến triển của ngành công nghiệp AI và quy mô thị trường đều đi trước Mỹ. Ngoài ra, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đứng thứ hai thế giới chỉ sau Nhật Bản, và việc sản xuất các loại xe năng lượng mới bao gồm cả xe hybrid xăng-điện cũng tăng vọt. Trong số đó, ô tô tự lái đặc biệt cần các chip điện toán tốc độ cao; lệnh cấm của Mỹ đối với chip mục đích là để trấn áp AI, các phương tiện năng lượng mới, ô tô tự lái và các ngành công nghiệp điện toán đám mây của Trung Quốc. "Nói một cách đơn giản, Mỹ chưa sẵn sàng, Trung Quốc không được phép vượt qua và không thể tiến bộ hơn Mỹ."

Tuy nhiên, ông nói, do Trung Quốc có ưu thế thị trường, Mỹ có thể khó đánh bại các công ty bán dẫn của Trung Quốc chỉ với một đòn.

Ông nói việc Mỹ tách rời công nghệ cứng khỏi Trung Quốc cũng buộc các nhà sản xuất lớn của Mỹ như AMD, Nvidia hay Intel không vào được thị trường Trung Quốc hoặc đầu tư và đặt nhà máy ở Trung Quốc, có thể dẫn đến cục diện hai bên đều thua thiệt.

Theo ông: "Về cơ bản, là để tách ra (công nghệ Mỹ-Trung). Nhưng loại tách biệt mạnh mẽ này thông qua các thủ đoạn kinh tế không chỉ có hậu quả nghiêm trọng về mặt chính trị, cũng bất lợi cả về kinh tế. Đối với công ty Trung Quốc đương nhiên là bất lợi, nhưng đối với các công ty Mỹ và Đài Loan cũng bất lợi, vì vậy đây là cục diện cả ba đều thua”.

Ông Hoàng Tề Nguyên, Chủ tịch FCC Partners (Ảnh: ETtoday).

Ông Hoàng Tề Nguyên, Chủ tịch FCC Partners (Ảnh: ETtoday).

Đối với cuộc chiến nhân tài chip do Mỹ xới lên, Hoàng Tề Nguyên nói rằng nhân tài bán dẫn nhiều nhất trên thế giới không phải ở Mỹ, mà là ở Đài Loan. Vì vậy lệnh cấm của Mỹ e rằng không thể ngăn cản Trung Quốc “đào chân tường” các quốc gia và khu vực ngoài Mỹ, sẽ chỉ khiến giá trị của các tài năng chip từ khắp nơi trên thế giới tăng lên gấp 3-5 lần, hoặc thậm chí cao hơn.

Hoàng Tề Nguyên nói: "Trung Quốc có nhân tài của riêng họ. Ngoài ra, nhân tài không chỉ giới hạn ở Mỹ. Ngoài Mỹ cũng còn có nhân tài nơi khác. Người Đài Loan cũng là nhân tài. Vì vậy, những người đến từ Đài Loan, Hàn Quốc hoặc Singapore có thể được Trung Quốc tuyển dụng. Tất nhiên là không dễ đào lấy. Nhưng khi giá thị trường của bạn đạt đến một giá trị nhất định, chẳng hạn như Trung Quốc chi một triệu USD (lương năm) để mời bạn, dù có muốn hay không, bạn cũng phải xem xét."

Theo VOA