Fed dự định nâng lãi suất và loạt động thái mới của các ngân hàng trung ương lớn

VietTimes – Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ tổ chức họp trong tuần này để đưa ra chính sách tiền tệ, trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu giảm nhẹ.

Trong khi cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đều được dự kiến sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm, các thị trường lại tập trung nhiều hơn vào tín hiệu đến từ các nhà hoạch định chính sách về việc họ có tiếp tục nâng lãi suất – hay có kế hoạch tạm ngừng.

Cả Chủ tịch Fed Jerome Powell và Chủ tịch ECB Christine Lagarde đều cảnh báo rằng lạm phát vẫn ở mức quá cao, buộc họ phải tiếp tục nâng lãi suất. Nhưng sau cuộc họp cuối tháng 7, cả hai ngân hàng trung ương sẽ không nhóm họp lần nữa mà phải chờ tới tháng 9, các nhà kinh tế học cho rằng mọi chuyện đều có thể xảy ra từ giờ cho đến cuối năm.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhật Bản vẫn “đi ngược dòng”, với hơn 80% các nhà phân tích tham gia một cuộc thăm dò mới đây cho thấy Thống đốc Kazuo Ueda sẽ tiếp tục kích thích nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới kể cả khi lạm phát ở trên mức mục tiêu 2% của họ.

Trong tuần này, các ngân hàng trung ương lớn sẽ đưa ra một số động thái đáng chú ý.

Chủ tịch Fed Jerome Powell (Ảnh: Bloomberg)

Fed

Các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất trong hôm 26/7 lên mức cao nhất trong 22 năm, đồng thời vẫn để ngỏ khả năng có thêm một đợt nâng lãi suất khác vào cuối năm nay.

Uỷ ban Thị trường Mở (FOMC) dự kiến sẽ nâng lãi suất thêm 0,25%, đẩy lãi suất tham chiếu lên trong khoảng 5,25%-5,5%, và là lần thứ 11 mà họ nâng lãi suất trong vòng 16 tháng qua. Quyết định này dự kiến được công bố vào tại Washington vào lúc 14h00. Ông Powell sẽ tổ chức một cuộc họp báo sau đó 30 phút.

Đợt nâng lãi suất được dự kiến trong tháng 7 được nối tiếp sau một đợt ngừng trong tháng 6, bởi Fed muốn có thêm thời gian để đánh giá về tác dụng của những đợt nâng trước đó. Tuy nhiên, ông Powell và các nhà hoạch định chính sách khác sẽ tiếp tục bỏ ngỏ nhiều lựa chọn để nâng lãi suất tiếp nếu cần thiết.

“Lạm phát đang chậm lại, nhưng chưa đủ đối với Fed”, James Knightley, kinh tế gia đến từ ING Financial Markets LLC, nhận định. “Khi thị trường việc làm còn đang mạnh mẽ, các quan chức không có cơ hội nào khác”.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde (Ảnh: Bloomberg)

ECB

Gần như chắc chắn ECB sẽ nâng lãi suất thêm 0,25% trong tuần này, bởi vậy mọi con mắt đều đổ dồn vào kế hoạch của ngân hàng trung ương châu Âu sau tháng 7. Giới chức ECB từng nhấn mạnh rằng quyết định mà họ sẽ đưa ra còn phụ thuộc vào dữ liệu mới, và tháng 9 có thể là tháng đầu tiên mà họ đưa ra quyết định như vậy.

Các nhà hoạch định chính sách ECB đã nâng lãi suất thêm 400 điểm cơ bản kể từ tháng 7 năm ngoái, và các nhà kinh tế học mà Bloomberg phỏng vấn cho rằng sẽ có thêm 2 đợt nâng lãi suất nữa, vào tháng 7 và tháng 9, nâng lãi suất tham chiếu lên 4%.

Nhưng họ cần phải thấy được chu kỳ thắt chặt tiền tệ có tác động tới nền kinh tế. Cuộc tranh luận của công chúng mới đây tập trung vào việc, liệu chu kỳ thắt chặt của ECB đã đủ để đưa lạm phát về mục tiêu 2% chưa, hay sẽ cần có thêm những đợt nâng lãi suất nữa.

Mặc dù một bản thăm dò hoạt động cho vay của các ngân hàng, dự kiến công bố trong hôm thứ Ba, có thể cho thấy nhu cầu vay vốn và các tiêu chuẩn tín dụng đang suy giảm sâu hơn trong quý 2, nhưng sức ép giá vẫn cao vượt kỳ vọng.

Vào thời điểm hội đồng quản trị của ECB trở lại làm việc vào tháng 9 sau kỳ nghỉ lễ, họ sẽ có thêm 2 báo cáo về lạm phát nhằm đánh giá tổng quan về hoạt động của nền kinh tế trong quý hai, cùng với các dự báo được cập nhật – và bổ sung bởi các bộ dữ liệu mới – để từ đó đưa ra quyết định.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda (Ảnh: Bloomberg)

Ngân hàng Nhật Bản

Thống đốc Ueda tiếp tục đánh tín hiệu rằng việc xoay trục sang chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn vẫn còn nhiều khó khăn, kể cả khi lạm phát tiếp tục tăng với nhịp độ nhanh hơn so với mức mục tiêu 2% của BoJ.

Hơn 80% các nhà kinh tế học được phỏng vấn bởi Bloomberg cho rằng BoJ sẽ giữ nguyên chính sách hiện tại của họ trong cuộc họp ngày 28/7. Phần còn lại dự báo rằng BoJ sẽ mở rộng thêm biên độ xung quanh mục tiêu lãi suất, hoặc điều chỉnh tương tự. Bản thăm dò trước đó cho thấy khoảng 30% các nhà kinh tế học dự báo BoJ sẽ thay đổi chính sách trong tháng 7.

Tuy nhiên, giá cả leo thang kéo dài có thể khiến BoJ phải nâng dự báo về lạm phát trong năm nay. Việc xem xét lại các dự báo chính là một trong số những nguyên nhân chính khiến nhiều người ngờ rằng BoJ sẽ tiếp tục các biện pháp kích thích kinh tế trong tháng 7. Bloomberg dẫn một số nguồn thạo tin cho hay, giới chức BoJ không nhận thấy sự cấp thiết phải giải quyết những tác dụng phụ của chương trình kiểm soát đường cong lợi suất, ít nhất là ở thời điểm này.

Ông Ueda tiếp tục nhắc lại lập luận của mình rằng, ở thời điểm hiện tại, mục tiêu về lạm phát có vẻ còn xa mới đạt được. Nếu như trong tuần này không xảy ra điều gì bất ngờ từ BoJ, thì các nhà quan sát chỉ cần tập trung vào các dự báo về lạm phát được công bố trong tháng 10, vì đây là thời điểm có khả năng BOJ đưa ra những động thái mới nhất./.

Theo Bloomberg