Trong một cuộc họp báo hiếm hoi vào tối hôm 21/10/2020, John Ratcliffe - Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia của chính phủ Mỹ - cho biết Nga và Iran đã có được một số thông tin đăng ký bỏ phiếu của Mỹ và đang cố gắng gây bất ổn cho cuộc bầu cử sắp tới.
“Chúng tôi đã phát hiện việc Iran gửi các email giả mạo với mục đích đe dọa cử tri, kích động bất ổn xã hội cũng như gây thiệt hại cho Tổng thống Trump” - ông Ratcliffe nói.
Ông Ratcliffe nói thêm rằng dữ liệu cử tri có thể được sử dụng nhằm cố gắng "truyền đạt thông tin sai lệch cho các cử tri, gây ra sự hỗn loạn và làm suy yếu niềm tin của mọi người vào nền dân chủ Mỹ".
Ông cũng cho hay các quan chức “chưa phát hiện các hành động tương tự từ phía Nga” nhưng nói rằng quốc gia này có khả năng đã nắm được một số thông tin cử tri.
FBI cảnh báo Iran và Nga thu thập dữ liệu cử tri trong nỗ lực can thiệp bầu cử. (Ảnh: SBS) |
Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy những thông tin, hành động can thiệp của Iran có khả năng thay đổi ý định của cử tri Mỹ cũng như kết quả bầu cử đối với số cử tri đã đi bỏ phiếu sớm.
Tính đến hôm 21/10/2020, đã có hơn 40 triệu người Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc tranh cử tổng thống giữa ông Trump và thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Biden - BBC cho biết.
Theo một quan chức tình báo Mỹ, những thông tin, dữ liệu mà Iran và Nga thu thập được chủ yếu lấy từ nguồn công khai. Một số thông tin liên quan đến cử tri, ví như đảng đăng ký bầu chọn được công bố công khai trên mạng; tên của cử tri có thể được lọc ra từ những công cụ xác định danh tính khác như địa chỉ thư điện tử từ các nguồn dữ liệu. Phần nhiều các nguồn dữ liệu này được các mạng lưới tội phạm mạng buôn bán, trao đổi qua các trang “web đen”.
Ông Ratcliffe nhấn mạnh rằng chính phủ Mỹ đã sẵn sàng đối phó với sự can thiệp bầu cử nước ngoài.
"Chúng tôi đã chuẩn bị cho khả năng xảy ra các hành động can thiệp từ những kẻ thù địch đối với nền dân chủ" - ông Ratcliffe nói.
Đáp trả tuyên bố trên, Iran bác bỏ cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và gọi đây là những “nỗ lực tuyệt vọng” của chính quyền Tổng thống Trump nhằm lấy lại sự tin tưởng của công dân Mỹ vào sự toàn vẹn và tính minh bạch của cuộc bầu cử.
Theo BBC