Facebook biện hộ rằng video phát trực tiếp ban đầu của cuộc tấn công được xem trực tiếp dưới 200 lần và khoảng 4.000 người đã xem lại video trước khi nó bị xóa khỏi trang.
Các bản sao của nó đã lan truyền nhanh chóng. Đến tối 16/3, công ty đã gỡ bỏ 1,5 triệu lượt tải lên. Đến sáng 19/3, hơn 800 bản chỉnh sửa khác nhau của đoạn phim đã được đăng lên trang mạng xã hội này.
Youtube cho biết họ đã cố gắng kiểm soát số lượng video chưa từng có được tải lên, cuối cùng họ phải từ chối người xem để cho phép hệ thống tự động gỡ xuống tức thời nhiều video hơn.
"Số lượng video liên quan được tải lên Youtube trong 24 giờ sau cuộc tấn công là chưa từng có cả về quy mô và tốc độ, có lúc tốc độ lên tới mỗi giây một lượt tải lên", người phát ngôn của Youtube nói với Guardian.
"Để đối phó, chúng tôi đã thực hiện một số bước, bao gồm tự động từ chối mọi cảnh bạo lực, tạm thời dừng khả năng sắp xếp hoặc lọc tìm kiếm theo ngày tải lên và đảm bảo các tìm kiếm về sự kiện này thu được kết quả từ các nguồn tin tức có thẩm quyền", người phát ngôn cho biết.
Vì không sử dụng đủ nhân viên kiểm duyệt để xem mọi video trực tiếp được phát sóng, Facebook chủ yếu dựa vào người xem để gắn cờ các buổi livestream có vấn đề.
Chris Sonderby, phó chủ tịch của Facebook, cho biết trong trường hợp video phát trực tiếp ở thành phố Christchurch, báo cáo đầu tiên của người dùng được đưa ra trong 29 phút sau khi phát sóng và 12 phút sau khi video kết thúc.
Ông cho biết Facebook đã tạo ra dấu vân tay kỹ thuật số của buổi livestream ban đầu, cung cấp phần lớn các thao tác xóa tự động và cho phép hơn 80% video bị chặn trước khi chúng được đăng công khai.
Neal Mohan, giám đốc sản phẩm của Youtube, nói với Washington Post rằng Youtube cũng đã tắt một tính năng vào cuối ngày 15/3 để chặn hàng triệu người xem các video mới. Các thay đổi này sẽ được đảo ngược một khi khủng hoảng lắng xuống.
Sau khi đoạn video ghi lại cảnh xả súng vào hai nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand được đăng tải lên mạng, các nhà hoạch định chính sách cho rằng việc các trang mạng xã hội và các công ty khác không hành động đủ nhanh là bằng chứng cho thấy cần có quy định chặt chẽ hơn.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern kêu gọi các nền tảng truyền thông xã hội làm nhiều hơn để chống khủng bố và hoạt động có trách nhiệm thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận.
Theo Zing