|
Facebook có thể xác định vị trí của người dùng ngay cả khi họ tắt tính năng định vị của thiết bị.
Nhà cung cấp mạng xã hội của Mỹ đã tiết lộ thông tin trên trong bức thư giải trình gửi tới các nghị sỹ Mỹ ngày 17/12.
Trong thư giải trình, Facebook nêu rõ việc nắm rõ vị trí của người dùng mang lại nhiều lợi ích, từ hiển thị các quảng cáo cho những cửa hàng gần vị trí người dùng, cho tới các hoạt động tin tặc và chống thông tin sai lệch.
Facebook cũng chỉ rõ những manh mối để nhà cung cấp mạng xã hội này có thể xác định vị trí người dùng bao gồm việc được gắn thẻ trong ảnh tại một địa điểm cụ thể hoặc đăng ký (check-in) tại một địa điểm cụ thể nào đó như một nhà hàng trong khi ăn tối với bạn bè.
Cùng với các thông tin định vị được chia sẻ trong các bài đăng của người sử dụng, thiết bị có kết nối Internet sẽ có các địa chỉ IP và do đó, vị trí của người dùng hoàn toàn có thể được xác định.
Tuy nhiên, trên thực tế, các địa chỉ IP, bao gồm những địa điểm cụ thể, có thể thiếu chính xác.
Theo Facebook, việc nắm được vị trí của một người dùng giúp hãng và các công ty Internet khác bảo vệ các tài khoản của người dùng bằng cách phát hiện ra các hành vi đăng nhập tình nghi, như hoạt động đăng nhập xảy ra tại Nam Mỹ, trong khi chính chủ tài khoản đang sống và làm việc tại châu Âu.
Các địa chỉ IP cũng giúp các công ty như Facebook chống tin sai lệch thông qua việc hiển thị nguồn gốc chung của các hoạt động bất chính, chẳng hạn như một loạt bài viết định hướng chính trị nhắm vào một quốc gia cụ thể.
Trong thời gian gần đây, Facebook thông báo hãng sẵn sàng tuân thủ Đạo luật bảo mật cá nhân của bang Califfornia, dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2020.
Đạo luật này sẽ trao cho người dùng Internet quyền được biết về những thông tin dữ liệu mà các công ty công nghệ lớn thu thập và đối tượng mà các công ty chia sẻ thông tin đó./.