Các nền tảng truyền thông xã hội đang phải nỗ lực hàng ngày hàng giờ để gắn cờ và xóa bỏ các thông tin sai lệch về virus Corona và dịch bệnh Covid-19.
Hôm qua (4/3), Mark Zuckerberg đã nhắc lại trong một bài đăng trên Facebook rằng nền tảng này đã loại bỏ các thuyết âm mưu về Covid-19 mà đã được các tổ chức y tế toàn cầu gắn cờ báo hiệu sai phạm. Ngoài ra, Facebook cũng dùng các nhãn kiểm chứng để gắn vào các thông tin sai lệch để người dùng có thể nhận biết thông tin nào không đáng tin cậy.
Ông Zuckerberg cũng nói rằng đang cung cấp cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) “các quảng cáo miễn phí mà họ cần”, đồng thời vị CEO của Facebook cho biết công ty cũng xóa bỏ các quảng cáo cố tình lợi dụng dịch bệnh, chẳng hạn như quảng cáo về các phương thuốc diệu kỳ chữa được Covid-19.
Đã hơn 2 tháng kể từ khi chủng virus Corona mới xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc và lan sang hàng chục quốc gia khác. Sự hoảng sợ đang tiếp tục phổ biến trên các phương tiện truyền thông xã hội, buộc các công ty nắm giữ các mạng xã hội phải chật vật để loại bỏ thông tin sai lệch.
Tính đến ngày 4/3, hơn 95.000 người đã nhiễm Covid-19, hơn 3.200 người đã chết trong khi hơn 51.000 người đã hồi phục.
Khi ngày càng nhiều người tìm kiếm thông tin trực tuyến về sự bùng phát của virus Corona, họ có thể dễ dàng gặp phải một loạt thông tin sai lệch và thậm chí nguy hại. Trên website của WHO cũng có một mục đề cập đến các ngộ nhận của con người về cách chữa Covid-19, chẳng hạn như dùng đèn cực tím có thể diệt virus Corona hay máy quét nhiệt có thể phát hiện người nhiễm virus. WHO cảnh báo rằng những thông tin sai lệch có thể dẫn tới kỳ thị và phân biệt đối xử. Ở Mỹ, ngày càng có nhiều báo cáo về các vụ kỳ thị chủng tộc đối với người Mỹ gốc Á.
Facebook, Twitter, YouTube và TikTok nói với trang công nghệ Recode rằng họ đang tìm cách quảng bá các thông tin chính xác, đồng thời hạn chế phạm vi tiếp cận độc giả của các bài đăng có thông tin sai sự thực. Twitter đã gắn nhãn liên kết đến Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) khi người dùng tìm kiếm “coronavirus”. Trong khi đó, WHO đã tham gia TikTok trong nỗ lực tăng cường thông tin chính xác về Covid-19.
Tuy nhiên, những nỗ lực của các nền tảng truyền thông xã hội này đã không thể ngăn chặn nổi sự lan truyền của những trò lừa bịp hoặc thông tin sai lệch về Covid-19. Nhiều bài đăng và video sai lệch đã đạt được hàng ngàn lượt nhấp, thích, phản hồi và chia sẻ. Một lượng đáng kể thông tin sai lệch về Covid-19 cũng đang lan truyền trên các kênh riêng. Lấy ví dụ WhatsApp chẳng hạn. Như Washington Post đã viết, WhatsApp đã chứa một loạt thông tin sai lệch về virus Corona, tạo ra sự hoảng loạn cho người dùng trên toàn thế giới.
Do số lượng bài đăng sai lệch về virus Corona quá nhiều nên các nền tảng mạng xã hội này vẫn phải đang chật vật để gắn cờ và gỡ bỏ mỗi ngày.