Ngày 19/3, Facebook phát đi thông báo sẽ trì hoãn duyệt quảng cáo mới. Theo đó, Facebook giải thích do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhân viên phụ trách xét duyệt quảng cáo và nội dung tạm nghỉ ở nhà cho đến khi có thông báo mới.
"Theo dự kiến, hoạt động xét duyệt quảng cáo sẽ kéo dài hơn bình thường, nên quá trình phân phối quảng cáo có thể bị trì hoãn. Các kháng nghị cũng có thể giảm hoặc thời gian chờ phản hồi sẽ lâu hơn", Facebook viết trong thông báo.
Giải pháp được Facebook đưa ra lúc này là nhà quảng cáo nên kéo dài thời gian và nâng ngân sách cách bài quảng cáo hiện có để tránh phải duyệt lại.
Riêng vấn đề kiểm duyệt nội dung, Facebook không đưa ra giải pháp nào. Trong thời gian nhân viên kiểm duyệt nội dung nghỉ ở nhà, nền tảng Facebook có thể phải đối diện với nhiều vấn đề nội dung hơn.
Đội ngũ kiểm duyệt quảng cáo Facebook từ lâu được đánh giá là quá tải, hoạt động không hiệu quả. Chính Facebook cũng thừa nhận việc này.
Chính sách Facebook cũng không cho phép quảng cáo nội dung cờ bạc theo pháp luật sở tại. Tuy vậy, theo ghi nhận từ cuối tháng 2, hàng trăm fanpage đang trả tiền để mua quảng cáo các website cá cược trái phép tại Việt Nam. Mỗi fanpage như vậy mua từ vài trăm đến hàng nghìn mẩu quảng cáo từ Facebook.
Facebook thừa nhận đội ngũ kiểm duyệt của mạng xã hội này không đủ sức để kiểm duyệt những nội dung mà họ đang nhận tiền để phân phối.
"Chúng tôi cũng hiểu rằng có thể chúng tôi không thể phát hiện mọi quảng cáo nên được xóa theo chính sách mới này, vì thế Facebook khuyến khích cộng đồng báo cáo nội dung vi phạm Chính sách quảng cáo của chúng tôi", Facebook trả lời qua mail.
Thế nhưng công cụ báo cáo nội dung vi phạm của Facebook dường như không hề hoạt động.
Ngày 4/2, một tài khoản Facebook tung tin giả Việt Nam có 33 người chết vì virus corona. Việc này đã được phản ánh lại với đại diện Facebook tại Việt Nam. Giải pháp được người này đưa ra là cùng báo cáo bài viết trên. Tuy nhiên, sau nhiều ngày báo cáo, tin giả trên vẫn tồn tại.
Ngoài ra, Facebook đã tuyên bố cấm quảng cáo khẩu trang trong mùa dịch nhưng mặt hàng này vẫn thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội này. Nhiều trong số đó là sản phẩm lừa đảo.
Theo Zing