Vụ bê bối để lộ thông tin người dùng Cambridge Analytica đã gây nên những hậu quả to lớn trong nhiều tháng qua, và buộc Facebook phải thực hiện nhiều biện pháp cải tổ mạnh mẽ. Hôm 14/5, trên một bài viết trong blog của mình, Facebook cho biết họ đã thực hiện nhiều biện pháp đối phó tạm thời đối với hàng trăm ứng dụng bị nghi ngờ là sử dụng sai mục đích dữ liệu người dùng, giống như những gì trong vụ Cambridge Analytica. Hôm 14/5, Facebook đã tiến hành rà soát hàng nghìn ứng dụng và đã tạm ngừng hoạt động của 200 ứng dụng, để “chờ tiến hành điều tra tỷ mỷ xem những ứng dụng này có thực sự sử dụng dữ liệu người dùng sai mục đích hay không”.
Bất cứ ứng dụng nào không tuân thủ quy định của Facebook sẽ bị xóa bỏ khỏi mạng xã hội này và người dùng sẽ biết được họ hay bạn bè mình có cài ứng dụng đó từ một trang web đặc biệt nào không.
“Đầu tiên, chúng tôi sẽ thực hiện một đánh giá toàn diện để nhận diện mọi ứng dụng truy cập vào dữ liệu của Facebook. Và thứ hai, ở các khu vực dữ liệu chúng tôi nghi ngờ, chúng tôi sẽ thực hiện các cuộc phỏng vấn, đưa ra các yêu cầu về thông tin (RFI) – đó là rất nhiều câu hỏi cụ thể về ứng dụng và dữ liệu mà nó truy cập vào – và thực hiện kiểm tra toàn diện, trong đó có thể bao gồm các cuộc xét duyệt tại chỗ”, đại diện Facebook cho biết.
Vụ bê bối Cambridge Analytica sử dụng dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook cho mục đích chính trị đã khiến cho người khổng lồ mạng xã hội phải tìm cách thắt chặt việc quản lý dữ liệu.
Trước những phản ứng mạnh mẽ của người dùng sau vụ bê bối Cambridge Analytica, Facebook đã buộc phải thực hiện một số thay đổi. Nhiều tính năng mới đã được bổ sung nhằm tăng sự minh bạch trong việc sử dụng dữ liệu người dùng. Mặc dù có một chiến dịch kêu gọi tẩy chay ứng dụng Facebook trên điện thoại và máy tính, nhưng trong quý qua tập đoàn này vẫn báo cáo đạt doanh thu tài chính mạnh.
Tuần qua, Facebook đã cam kết rằng ứng dụng hẹn hò sắp được phát hành của họ sẽ không sử dụng dữ liệu người dùng để phục vụ cho các quảng cáo.