Mới đây, Viện Chính sách Công nghệ (TPI) của Mỹ công bố nghiên cứu cho thấy mọi người ở các nước khác nhau định giá thông tin cá nhân của họ như thế nào. Đây là nghiên cứu đầu tiên cố gắng định lượng giá trị của quyền riêng tư và dữ liệu trực tuyến. Nó đánh giá quyền riêng tư có giá trị ra sao ở 6 quốc gia bao gồm Mỹ, Đức, Mexico, Brazil, Columbia và Argentina.
Nó giải quyết mối quan tâm ngày càng tăng về cách các công ty thu thập và kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân. Các cơ quan quản lý Mỹ áp dụng những khoản tiền phạt khổng lồ đối với Facebook và YouTube do vi phạm quyền riêng tư.
Ông Scott Wallsten, Chủ tịch và thành viên cao cấp tại TPI trao đổi với Reuters: “Khác biệt trong cách mọi người định giá sự riêng tư của các loại dữ liệu khác nhau giữa các quốc gia cho thấy một số nơi, mọi người có thể thích các quy tắc yếu hơn, trong khi nơi khác muốn quy tắc mạnh hơn. Cần định lượng giá trị của quyền riêng tư để thực hiện bất kỳ phân tích nào về các chính sách quyền riêng tư được đề xuất”.
Nghiên cứu chỉ ra người Đức muốn được trả nhiều tiền hơn khi để các nền tảng công nghệ chia sẻ dữ liệu cá nhân của họ với các bên thứ ba, theo sau là người tiêu dùng Mỹ. Mọi người đều xem các thông tin quan trọng nhất là thông tin tài chính như số dư ngân hàng và thông tin sinh trắc học như dữ liệu vân tay, trong khi đó dữ liệu về vị trí được quan tâm ít nhất.
Trung bình, một nền tảng công nghệ, phải trả cho người dùng 8,44 USD hàng tháng để chia sẻ thông tin số dư ngân hàng, 7,56 USD để chia sẻ thông tin dấu vân tay, 6,05 USD để đọc tin nhắn của một cá nhân và 5,8 USD để chia sẻ thông tin về rút tiền mặt. Ngược lại, mọi người chỉ muốn được trả 1,82 USD mỗi tháng để chia sẻ dữ liệu vị trí.
Nghiên cứu cho thấy người dùng Mỹ có sở thích xem quảng cáo trên điện thoại thông minh của họ, trái ngược với người Mỹ và người Đức.