Sáng ngày 21/11, tài khoản Facebook J.C. M***** đăng tải đoạn video chứa hình ảnh khêu gợi. Nhân vật chính sau đó khỏa thân một phần, góc máy quay cận vào bộ phận sinh dục để trần với tiêu đề "Llegó el pavoooo" (tạm dịch: Gà tây đến). Đoạn clip này vi phạm nghiêm trọng chính sách nội dung của Facebook về ảnh khỏa thân, khiêu dâm.
Tuy vậy, đoạn video này vẫn tồn tại sau hơn 18 giờ đăng tải và tiếp tục được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội này.
Sau 18 giờ đăng tải, video trên nhận được 18 triệu lượt xem, 130.000 lượt thích, 175.000 bình luận và 360.000 lượt chia sẻ. Đây là những số liệu cho thấy sự lan truyền chóng mặt của đoạn video khiêu dâm trên.
Thậm chí chủ tài khoản còn khoe chỉ sau 3 giờ đăng tải, đã có hơn 5.000 người theo dõi tài khoản của người này. Sau 18 giờ, tài khoản đang tài video nhận được hơn 30.000 lượt theo dõi.
Người viết đãbáo cáo (report) với Facebook về nội dung này theo cách người dùng có thể làm. Tuy nhiên, sau hơn 3 giờ, nội dung trên vẫn hiển thị và lan truyền.
Sự lỏng lẻo của Facebook trong việc kiểm duyệt của video nói trên như phủ nhận lại những gì mạng xã hội này tuyên bố. Ngày 15/11, trong một ghi chú đăng tải trên trang cá nhân, Mark Zucekerberg, CEO Facebook, khẳng định mạng xã hội 2,2 tỷ người dùng đã có thể kiểm duyệt gần như toàn bộ ảnh khỏa thân bằng trí thông minh nhân tạo.
"Một số loại nội dung có hại được AI xác định dễ dàng hơn và nhưng chúng tôi mất nhiều thời gian để đào tạo máy. Ví dụ việc xác định ảnh khỏa thân thường dễ hơn các thách thức ngôn ngữ sắc thái, như lời nói căm thù. Hệ thống của chúng tôi đã chủ động xác định 96% ảnh khỏa thân và gỡ khỏi Facebook. Vài năm trước tỷ lệ quét được những nội dung này gần như bằng không", Zuckerberg viết.
Tuy vậy, CEO Facebook cũng nhận định việc bất kỳ hệ thống nào có quy mô lớn cũng xảy ra lỗi. Và trường hợp đoạn video trên có thể thuộc 4% những nội dung khỏa thân mà mạng xã hội này không thể kiểm duyệt được.
Trước đó, theo Vice News, một cô gái 16 tuổi người Nam Sudan đã bị đấu giá trên Facebook để làm vợ của người thắng cuộc.Theo tổ chức nhân đạo Plan International, người chiến thắng phiên đấu giá mua lại cô gái với giá 500 con bò, ba chiếc xe hơi và 10.000 USD.
Trả lời Mashable, Facebook cho biết họ đã xóa bài đăng đó sau khi nhận được báo cáo vào ngày 9/11. Tuy nhiên, theo Plan International việc kết hôn đã diễn ra ngày 3/11.
Cả hai trường hợp cho thấy dù đầu tư nhiều thời gian và nỗ lực nghiên cứu nhưng Facebook vẫn bất lực trước những nội dung độc hại trên nền tảng của mình, chậm trễ trong việc xử lý.
Ngoài ra, cách duy nhất được Facebook dùng để khắc phục hậu quả là gỡ những nội dung bị cộng đồng lên án, đứng ra xin lỗi và xin thêm thời gian để hoàn thiện, mặc kệ những hậu quả đã diễn ra.