Facebook lại bị tố cho bên thứ 3 đọc trộm tin nhắn của người dùng

VietTimes – Facebook đã chia sẻ dữ liệu của hàng triệu người dùng cho các công ty thứ 3 như Spotify, Netflix, Microsoft hay Yahoo. Những công ty đó được Facebook xếp hạng đối tác dữ liệu và không phải tuân thủ quy định về quyền riêng tư thông thường.
Ảnh minh họa: BBC.
Ảnh minh họa: BBC.

Đây là kết quả cuộc điều tra trên 200 trang tài liệu tạo bởi trình theo dõi đối tác tự động của Facebook trong năm 2017 của New York Times. Mặc dù tới nay Facebook vẫn một mực khẳng định không kinh doanh dữ liệu người dùng, nhưng lại tham gia vào mối quan hệ đối tác dữ liệu với hơn 150 công ty.

New York Times tiết lộ: “Các thỏa thuận đối tác dữ liệu của Facebook, lâu đời nhất kể từ năm 2010, vẫn còn hiệu lực trong năm 2017”. Tờ báo đưa tin: “Một số vẫn còn hiệu lực trong năm 2018”.

Bài viết của New York Times cũng nhấn mạnh rằng một số đối tác như Spotify, Netflix và Ngân hàng Hoàng gia Canada còn truy cập tin nhắn riêng tư của người dùng, đồng thời được Facebook cấp quyền đọc, soạn thảo và xóa tin nhắn.

Đại diện của Spotify và Netflix tuyên bố rằng họ không nhận ra quyền truy cập trái phép như đã đề cập. Netflix giải tích rằng lịch sử truy cập đã ghi lại quá trình hoạt động của tính năng giới thiệu phim cho bạn bè trên Facebook, và nó chỉ được thử nghiệm trong một khoảng thời gian ngắn.

Phát ngôn viên của Netflix trả lời phỏng vấn của trang Business Insider như sau: “Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã thử nhiều cách khác nhau để làm gia tăng sự tương tác xã hội trên Netflix”. Phát ngôn viên giải thích: “Ví dụ như tính năng ra mắt vào năm 2014 cho phép thành viên giới thiệu các chương trình truyền hình và phim cho bạn bè thông qua Messenger và Netflix. Tính năng này không hoạt động hiệu quả như dự kiến nên đã bị khai tử vào năm 2015. Chúng tôi không truy cập tin nhắn riêng tư của người dùng Facebook và cũng không yêu cầu được cấp quyền để thực hiện điều đó”.

Tương tự, Ngân hàng Hoàng gia Canada cho biết đã đóng cửa tính năng tích hợp trên nền tảng tin nhắn Messenger. Trong khi đó, Spotify chưa đưa ra câu trả lời về ý nghĩa của mối quan hệ đối tác dữ liệu với Facebook.

Ngoài các công ty nói trên, Amazon, công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft và Yahoo cũng là những đối tác dữ liệu lớn và được quyền truy cập sâu và kho dữ liệu người dùng khổng lồ của Facebook. Ví dụ, Amazon có thể nhìn thấy tên tài khoản và thông tin liên hệ của bất kỳ người dùng nào thông qua bạn bè trên Facebook.

Thiết lập mối quan hệ đối tác dữ liệu với Facebook đồng nghĩa là công ty thứ 3 (công ty công nghệ, bán lẻ hay cung cấp các dịch vụ giải trí) sẽ có quyền truy cập một số dữ liệu nhất định. Mặc dù chính sách về quyền riêng tư ban hành năm 2010 đã cho biết về mối quan hệ đối tác này, nhưng việc Facebook chia sẻ những dữ liệu gì và với ai thì vẫn chưa được tiết lộ rõ ràng.

Ảnh minh họa: AFP
Ảnh minh họa: AFP

Phía Facebook lập luận rằng các đối tác dữ liệu của họ đều tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản về quyền riêng tư, đồng thời họ cũng được coi như một phần mở rộng của Facebok. Vì vậy, công ty không vi phạm cam kết "không chia sẻ trái phép dữ liệu" đã ký với Ủy bang Thương mại Liên bang Mỹ vào năm 2011.

Giám đốc Chính sách Công chúng và Quyền riêng tư của Facebook Steve Satterfield khẳng định: “Các đối tác của Facebook không được phép bỏ qua các điều khoản về quyền riêng tư của người dùng, và thật sai lầm khi cho rằng họ được phép làm vậy”. Ông Satterfield lý giải: “Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã hợp tác với nhiều công ty khác nhau để mọi người có thể sử dụng Facebook trên cả các thiết bị và nền tảng không được chúng tôi hỗ trợ. Nhưng khác với việc cung cấp trải nghiệm độc lập, các đối tác chỉ có thể cung cấp các tính năng cụ thể của Facebook và không thể sử dụng thông tin cho mục đích độc lập”.

“Chúng tôi hiểu rằng phải nỗ lực để lấy lại lòng tin từ phía người dùng”. Ông Satterfield nói thêm: “Bảo vệ thông tin của người dùng đòi hỏi các đội ngũ mạnh hơn, công nghệ tốt hơn và chính sách rõ ràng hơn. Đó là yếu tố trọng tâm của năm 2018”.

Năm nay, Facebook đã phải đối mặt với hàng loạt vụ bê bối. Vào tháng 3, Facebook đã tiết lộ về công ty dữ liệu Cambridge Analytica đã thu thập và sử dụng trái phép thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng. Vụ việc khiến CEO Mark Zuckerberg phải lần đầu xuất hiện trong phiên điều trần về quyền riêng tư trên nền tảng của Quốc hội Mỹ. Thế nhưng ngay trong tuần trước, mạng xã hội lớn nhất thế giới lại thông báo về lỗ hổng khiến hàng triệu bức ảnh riêng tư của người dùng có thể bị ứng dụng của bên thứ 3 truy cập.

Theo Business Insider