Trong khoảng thời gian gần đây, các dịch vụ trực tuyến và cung cấp nền tảng trang web đang thúc đẩy quá trình loại bỏ những khách hàng có liên quan đến hội nhóm kì thị chủng tộc, nhằm cắt đứt mọi sự lan truyền thông tin độc hại từ vụ bạo loạn ở Charlottesville, Virginia.
Cụ thể, hai dịch vụ thanh toán trực tuyến Apple Pay và PayPal đã tự thay đổi điều khoản phục vụ để ngăn chặn các khoản tiền đổ về những nhóm phân biệt chủng tộc đang gây rối này. Trang web phát ngôn chính của nhóm tôn thờ phát xít mang tên Daily Stormer cũng được xóa sổ ra khỏi Internet ngay tức khắc.
Các nhà cung cấp dịch vụ đã làm gì?
Thành thật mà nói, nỗ lực ngừng cung cấp dịch vụ trực tuyến, quét sạch thông tin của các tổ chức cực đoan trên ra khỏi Internet chỉ là biện pháp tạm thời, gây nên nhiều vấn đề đáng tranh cãi trong việc kiểm duyệt và rà soát nội dung trước khi chúng được lan truyền.
Chính bởi chính sách kiểm duyệt lỏng lẻo, mâu thuẫn và không có một khung hình phạt rõ ràng cho việc vi phạm, những nội dung gây thù hận, đầy tính phân biệt chủng tộc vẫn được chia sẻ với tốc độ chóng mặt.
GoDaddy, công ty cung cấp tên miền đằng sau trang web Daily Stormer đã đề cập ở trên vô tình tiếp tay cho phong trào ủng hộ chủ nghĩa phát xít lan rộng. Hơn nữa, có rất nhiều tổ chức kì thị chủng tộc sử dụng tên miền được cung cấp bởi GoDaddy, chẳng hạn tổ chức mang tên Creativity Movement.
Theo kết quả của trang whois.net, GoDaddy còn là host của nhiều trang web chính thuộc cộng đồng bài trừ Do Thái và hai trang web mang tên American Viking, Free American đi đầu trong phong trào kì thị sắc tộc.
Một vài dịch vụ cung cấp nền tảng khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Sau khi cuộc bạo loạn ở Charlottesville nổ ra, WordPress nhanh chóng ngừng cung cấp dịch vụ cho nhóm Vanguard America, tổ chức của tên James Fields, sát nhân giết chết một người phụ nữ hôm ấy.
Tuy nhiên, WordPress vẫn tiếp tục cho phép blog của nhóm Southern Future hoạt động, trang thuộc sở hữu của Michael Cushman, một nhà hoạt động chính trị cực đoan tại miền Nam có nhiều động thái phân biệt sắc tộc.
Facebook nổ phát súng đầu tiên
Sau khi cuộc bạo loạn ở Charlottesville bùng nổ, Mark Zuckerberg lập tức khẳng định Facebook "đang quan sát tình hình kĩ lưỡng và luôn sẵn sàng loại bỏ mọi mối nguy" trong bối cảnh những tin tức sặc mùi kì thị chủng tộc và ủng hộ phát xít luôn chực chờ bùng nổ bất cứ lúc nào.
"Chúng tôi không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng tôi cam đoan rằng chúng tôi luôn làm việc hết sức mình để biến Facebook thành nơi mà ai cũng cảm thấy bình an. Thật hổ thẹn khi mà cho tới bây giờ người ta còn bảo nhau phân biệt chủng tộc và tôn thờ phát xít là sai lầm - đó ắt hẳn là lẽ dĩ nhiên rồi chứ", Zuckerberg viết.
Mark Zuckerberg luôn mong muốn tạo ra một môi trường Facebook trong sạch, lành mạnh.
Facebook đã có sẵn một vài chính sách để đối phó với những nội dung mang tính thù hằn và bạo lực, nhưng đôi khi cần phải tốn một khoảng thời gian mới gỡ bỏ được hết. Những điều luật được sửa đổi mới đây giúp Facebook giải quyết nhanh gọn và triệt để hơn, đồng thời siết chặt danh sách kiểm duyệt.
Gần đây, Facebook nỗ lực xóa bỏ nhiều đường dẫn vào trang Daily Stormer được chia sẻ tràn lan với nội dung cực đoan về cái chết của nạn nhân Heather Heyer trong vụ bạo động ở Charlottesville.
Tất cả bài viết trên đều nhằm chỉ trích và công kích cá nhân cô gái nạn nhân và 19 người bị thương khác và ủng hộ tên sát nhân James Alex Fields.
Tuy nhiên, những động thái mạnh bạo của Facebook về vụ bạo loạn vẫn không làm nản lòng các nhóm hoạt động kì thị sắc tộc mà điển hình là tổ chức European American, vẫn hoạt động trên nền tảng của Facebook.
Động thái mạnh mẽ của Uber
Uber đã gửi đi một thông điệp đến tất cả nhân viên và đội ngũ tài xế của mình, trong đó lên tiếng kết án vụ bạo loạn xảy ra tại thành phố Charlottesville, bang Virginia của Mỹ, cùng với đó là cam kết sẽ cấm tiệt những kẻ tự xưng là da trắng thượng đẳng tự phong cũng như thành viên của các nhóm thù địch khác hoạt động trên nền tảng, dịch vụ của mình.
Tổng giám đốc Khu vực Meghan Verena Joyce đã viết trong thông điệp được đăng tải trên Twitter bởi nhà báo Mike Isaac của New York Times: “Chúng tôi cho rằng không có chỗ cho sự tin tưởng mù quáng, sự phân biệt và lòng thù hận”.
Thông điệp còn cho biết Uber sẽ "hành động nhanh chóng và cương quyết để bày tỏ ủng hộ với Bộ quy tắc ứng xử Cộng đồng”, bao gồm chính sách về chống phân biệt chủng tộc hay bất cứ loại hình thù địch nào khác - một trong số những hành động đó là cấm những kẻ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng được sử dụng ứng dụng Uber hoặc làm tài xế Uber.
Uber sẵn sàng không nhận khách và xóa bỏ thông tin khách hàng, nếu người đó dính líu tới vấn đề kì thị chủng tộc.
Đây là thông điệp chính thức đầu tiên của Uber sau vụ bạo động xảy ra tuần vừa rồi, tuy nhiên không phải hành động đầu tiên để chống lại những kẻ có liên quan đến vụ biểu tình “Unite the Rally” của những kẻ da trắng thượng đẳng.
Tuần vừa rồi, Uber đã cấm một tên da trắng thượng đẳng tự phong tên James Allsup, sau khi anh này và bạn mình, một người theo chủ nghĩa cực hữu - Tim “Baked Alaska” Gionet đưa ra những lời nhận xét sặc mùi phân biệt sắc tộc khi đi qua Bảo tàng Quốc gia Lịch sử và Văn hóa Châu Mỹ tại Washington, DC.
Người tài xế Uber, khi đó là một phụ nữ da màu, đã cảm thấy thiếu thoải mái và yêu cầu hai hành khách xuống xe. Uber sau đó đã “loại bỏ vĩnh viễn” Allsup khỏi nền tảng gọi xe lớn nhất thế giới.
Lệnh cấm của Uber sẽ áp dụng với những kẻ da trắng thượng đẳng tự phong dựa trên tài khoản cá nhân của tài xế, đánh dấu một bước chuyển mình đáng chú ý của các công ty hoạt động dựa trên nền tảng Internet đấu tranh lại thù địch trực tuyến.
Google: bảo toàn lực lượng trước, đánh trận sau
Sau khi cuộc bạo loạn bùng nổ, Sundar Pichai gửi một bức thư tới toàn thể nhân viên của ông và bảo rằng tình cảnh lúc ấy ở Google thật "căng như dây đàn".
Nguyên do là vì công ty vừa mới phải đối mặt với sức ép dư luận từ việc một kỹ sư tên James Damore có những phát ngôn phân biệt giới tính và rằng phụ nữ không thích hợp làm việc trong ngành công nghệ. Vị kỹ sư này sau đó đã bị sa thải khỏi nơi làm việc hiện tại bởi Google.
Trong bức thư, Pichai có đề cập về những vụ bạo loạn kì thị sắc tộc gần đây ở Virginia và Barcelona. Những sự việc kể trên "đều có sức tàn phá nặng nề, gây ra nhiều hậu quả vô cùng đau thương và mất mát chính bởi lòng thù hận, tính cực đoan của đồng loại".
"Khủng bố, đơn thuần chỉ là bạo lực nhưng chúng tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau", Pichai nói.
Sundar Pichai trấn an nhân viên của mình và kiên quyết loại bỏ kì thị sắc tộc.
Ông trấn an các nhân viên của mình rằng tất cả mọi "Googler" ở Virgina hay Barcelona đều ổn và hoàn toàn khỏe mạnh. Đồng thời, Pichai khẳng định rằng nhất quyết không được để một tình trạng nào như vậy xảy ra trên đất Mỹ. Thách thức lớn nhất của Google là ngăn chặn khủng bố xung đột sắc tộc.
Đáng mừng thay, dù chỉ có một số công ty công nghệ khác đã chọn cách tiếp cận vấn đề này một cách mềm dẻo hơn, thậm chí một số công ty chưa thực sự đứng lên đấu tranh chống biểu tình, nhưng chí ít giờ đây đã có một ranh giới được vẽ ra trước những nhóm thù địch muốn liên lạc và chủ động sắp xếp, tổ chức bạo động qua những nền tảng này.
Các tuyên bố về lệnh cấm của Uber cũng như các công ty công nghệ khác, bao gồm Facebook, Twitter, Airbnb, Google lại đối lập hoàn toàn với phát biểu của Tổng thống Donald Trump - vốn là người không ngay lập tức kết án những kẻ biểu tình mà thay vào đó lại tìm cách đổ lỗi cho “cả hai bên” và bảo vệ những người muốn bảo tồn di tích Liên bang.