|
Người dùng cần biết cách phân biệt tin giả, tin xấu trên mạng xã hội |
Facebook đã chính thức “khai chiến” chống lại các tin tức sai lệch bằng thủ thuật trợ giúp nhận thức bên cạnh các tính năng hỗ trợ khác. Người sử dụng tại 14 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, sẽ thấy một lời nhắc xuất hiện trên News Feed của họ cùng với đường link dẫn tới mục Help Center của Facebook liên quan tới “Các thủ thuật để nhận biết tin tức sai lệch”.
Adam Mosseri, đại diện Facebook cho biết: “Tin giả, tin sai không phải là một hiện tượng mới, bởi vậy mà tất cả chúng ta đều có trách nhiệm chung tay giải quyết vấn đề này”.
Dưới đây là danh sách 10 thủ thuật Facebook đã đưa ra:
1. Hoài nghi với tiêu đề. Các tin tức sai lệch thường có tiêu đề rất dễ nhớ, được viết hoa, và được kết thúc bằng dấu chấm than. Nếu tin tức đó rất khó tin, hãy cẩn thận, bởi nó có thể là tin tức giả mạo.
2. Để ý liên kết URL. Các liên kết giả mạo thường gần giống với đường link thật, đó chính là dấu hiệu cảnh báo tin tức giả. Bởi các trang giả mạo thường cố “bắt chước” những nguồn tin thật và chỉ tạo ra sự thay đổi nhỏ trong liên kết URL. Bạn có thể vào trang web và so sánh URL với các nguồn được thiết lập.
3. Có nguồn rõ ràng. Đảm bảo rằng câu chuyện được viết bởi nguồn tin mà bạn hoàn toàn yên tâm về độ danh tiếng cũng như tính chính xác. Nếu tin tức đến từ một tổ chức lạ, hãy kiểm tra mục "Giới thiệu" để tìm hiểu thêm thông tin.
4. Định đạng bất thường. Các trang tin giả mạo thường bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn.
5. Hình ảnh. Các bức ảnh, video trong các tin giả thường đã bị chỉnh sửa, thay đổi nội dung. Đôi khi, bức ảnh có thể là đúng, nhưng đặt vào tùy hoàn cảnh mà nó truyền tải ý nghĩa khác nhau. Bạn có thể tìm hiểu bức ảnh đó trên các nguồn khác để xác minh được tính chân thực của nó.
6. Kiểm tra thời gian. Thông tin ngày tháng của sự kiện trên các tin giả mạo thường đã bị thay đổi.
7. Kiểm tra các luận cứ. Kiểm tra tác giả để đảm bảo tính chính xác của tin tức. Nếu bài báo thiếu tên tác giả hoặc thiếu các luận cứ, thì đó có thể là tin tức giả mạo.
8. Tìm các bài viết khác. Tìm các bài báo trên các trang uy tín khác có nội dung tương tự để đối chiếu và đảm bảo đó là sự thật.
9. Xác định đó có phải là bài châm biếm không. Đôi khi, những tin tức giả mạo khiến người đọc rất khó để phân biệt giữa chuyện mang tính giải trí và những chuyện có mục đích chính là châm biếm, đả kích. Kiểm tra lại nguồn để đảm bảo tính chính xác.
10. Một vài nguồn tin cố tình viết sai. Đọc kĩ nội dung và chỉ chia sẻ tin tức mà bạn chắc chắn về độ chính xác.
Các lời khuyên này của Facebook về mặt lý thuyết rất hữu ích và hợp lý. Theo các nghiên cứu gần đây, hơn một nửa số người trưởng thành ở Mỹ biết đến tin tức qua mạng xã hội nhiều hơn là đọc trực tiếp qua các nguồn có uy tín, và đa số các sinh viên không phân biệt được giữa tin thật và tin giả mạo.
Đáng lo ngại là có tới 20% người dùng đã thay đổi quan điểm chính trị sau khi đọc tin trên các trang mạng xã hội. Bởi vậy, có lẽ người dùng sẽ cần khoảng thời gian khá dài để có thể thành thạo trong việc phân biệt tin giả, tin xấu theo hướng dẫn của Facebook.