Tuần trước, khi ông Mark Zuckerberg – CEO Facebook đứng trên sân khấu hội thảo F8 để thực hiện bài phát biểu quan trọng nhất trong năm của mình, ông đã phải thừa nhận vai trò của Facebook trong một video giết người kinh khủng được phát trực tiếp trên mạng xã hội này.
Hai ngày trước đó, một người đàn ông đã phát trực tiếp cảnh anh ta bắn chết một ông già ở Cleveland. Cảnh sát nói rằng nạn nhân và hung thủ không hề quen biết nhau. Hung thủ đã tìm “con mồi” ngẫu nhiên để giết. Anh này đã gọi điện về cho mẹ nói rằng mình đã giết 13 người. Một tiếng đồng hồ trước khi Zuckerberg lên sân khấu F8 phát biểu, cảnh sát thông báo hung thủ đã tự tử sau khi bị cảnh sát truy lùng gắt gao trên toàn quốc.
“Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm, và chúng tôi sẽ làm hết sức mình để ngăn chặn những thảm kịch như thế này xảy ra lần nữa”, ông Zuckerberg cho biết.
Facebook hứa sẽ xem xét lại các công cụ báo cáo mà mọi người sử dụng để gắn cờ các video bạo lực, cũng như tiếp tục nỗ lực phát triển trí thông minh nhân tạo nhằm ngăn chặn những video như vậy lan rộng.
Nhưng dường như những thay đổi này không thể đến đủ nhanh. Chưa đầy hai tuần sau đó, bi kịch đã xảy ra lần nữa. Vào tối thứ Hai (24/4), một người đàn ông ở Thái Lan đã phát trực tiếp cảnh giết chết đứa con gái của mình trước khi tự tử vì cuộc sống quá nghèo khó. Video đã xuất hiện trên Facebook trong khoảng 24 giờ trước khi nó được gỡ xuống.
Hai vụ giết người nói trên là những vụ việc nổi cộm liên quan đến tính năng phát video trực tiếp trên Facebook (Facebook Live). Người khổng lồ mạng xã hội đã không thể nào kiểm soát hoàn toàn được dịch vụ của mình. Facebook có gần 2 tỷ người dùng mỗi tháng. Gần 2 tỷ người có khả năng chạm vào một nút , hướng camera điện thoại vào một thứ gì đó, và phát bất cứ điều gì lên Facebook cho bạn bè xem.
Peter Csathy, người sáng lập và là Chủ tịch của Creatv Media, một công ty tư vấn cho các công ty truyền thông và công nghệ, nhận định: “Facebook sẽ rất khó kiểm soát việc phát video trực tiếp do lượng người sử dụng quá lớn. Bây giờ chúng ta đang chứng kiến những thứ thật khủng khiếp trên mạng xã hội”.
Tất nhiên Facebook không phải là công ty công nghệ duy nhất phải đối phó với những vấn đề liên quan đến nội dung bạo lực. Twitter và Google (YouTube) cũng đang gặp phải những vấn đề tương tự. Nhưng Facebook với số lượng người sử dụng khổng lồ và tồn tại như là một vị vua của phương tiện truyền thông xã hội phải chịu trách nhiệm cho những gì xuất hiện trên mạng.
Facebook đã không trả lời yêu cầu bình luận về vụ tự tử ở Thái Lan, cũng như những câu hỏi về tương lai của Facebook Live, hoặc cách công ty thực hiện để kiểm soát dịch vụ video trực tiếp này.
Đây thực sự là một bài toán rất khó cho Facebook. Zuckerberg đã đặt cược tương lai vào dịch vụ Facebook Live. Khi công ty này mở tính năng cho phát video trực tiếp vào năm ngoái, Zuckerberg nói rằng chúng ta đang bước vào “thời kỳ vàng son của video”.
“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu bạn đặt mình vào thời điểm 5 năm sau. Hều hết nội dung mà mọi người nhìn thấy trên Facebook và chia sẻ hàng ngày là video”, Zuckerberg nói vào thời điểm đó.
Không có gì đảm bảo
Facebook Live giờ đây đã trở nên rất nổi tiếng và cả tai tiếng. Facebook cũng đã có một số “kinh nghiệm” trong việc đối phó với những video gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Chẳng hạn như hồi tháng 7/2016 một video trực tiếp đã được đưa lên Facebook quang cảnh sau khi một người đàn ông da đen bị bắn ở điểm dừng giao thông. Sau khi video được gỡ xuống vì “sự cố kỹ thuật”, nó lại được phục hồi theo yêu cầu của những người đấu tranh vì quyền lợi của người da màu.
Đồng thời, Facbook cũng phải đối mặt với sự phẫn nộ khi không nhanh chóng loại bỏ các video ghi lại các tội ác khủng khiếp như vụ giết người ở Cleveland và Thái Lan.
Facebook đã đặt cược sự phát triển của công ty vào nền tảng video. Họ rất muốn mọi người luôn sẵn sàng trên tay chiếc điện thoại và live stream trên Facebook. Tuần trước, không lâu sau khi Mark Zuckerberg gửi lời chia buồn tới gia đình và bạn bè của nạn nhân ở Cleveland, ông đã có bài giới thiệu về nền tảng thực tế tăng cường mới của Facebook. Mục đích là để các nhà phát triển có thể tạo ra các lớp hình ảo xen giữa hình ảnh thực khi người dùng Facebook sử dụng camera điện thoại để quay video.
Nói cách khác, Facebook tin rằng camera điện thoại và video sẽ là công cụ đem lại lợi nhuận lớn cho hãng.
Đối với các video phản cảm, Justin Osofsky, Phó Chủ tịch hoạt động toàn cầu của Facebook, cho biết công ty dựa vào "hàng ngàn" người trên thế giới để xem xét nội dung bị gắn cờ. Người dùng Facebook báo cáo "hàng triệu" video không phù hợp mỗi tuần.
Nhưng ngay cả khi Facebook hoạt động tốt với trí thông minh nhân tạo và tinh giản quá trình để mọi người báo cáo các video không phù hợp, không có gì đảm bảo rằng vụ việc ở Cleveland hoặc Thái Lan sẽ không xảy ra thêm lần nữa.
“Họ không thể đảm bảo lọc được 100%. Cho dù họ có dành bao nhiêu nguồn lực đi chăng nữa thì vẫn sẽ có những video không phù hợp lọt qua kiểm duyệt”, ông Peter Csathy nhận định.