Facebook bị 'tố' phân biệt đối xử và đe dọa nhân viên

Trong lá thư đầy bức xúc của mình, cựu nhân viên làm việc trong nhóm Xu hướng của Facebook cho biết cô và các nhân viên khác bị quản lý kém, bị đe dọa, phân biệt giới tính và không có tiếng nói trong công ty.
Facebook bị 'tố' phân biệt đối xử và đe dọa nhân viên

Những lời chia sẻ của nhân viên này được đăng tải trên trang The Guardian như sau:

“Làm việc tại Facebook, thậm chí với tư cách là một người phụ trách, tưởng như sẽ là cơ hội của cuộc đời tôi. Nhưng thay vào đó, nó lại là kinh nghiệm làm việc độc hại nhất trong đời tôi.

Là một người phụ trách, công việc của tôi là lựa chọn xem đường liên kết nào sẽ xuất hiện trên ô “xu hướng” của Facebook, ở trên cùng bên phải phần Newsfeed của người dùng. Mỗi ngày, tôi thường đọc qua hàng trăm chủ đề (hoặc “từ khóa”) mà Facebook bảo với tôi rằng nó là  xu hướng trên nền tảng này. Sau đó tôi lựa chọn một câu chuyện về từ khóa đó và đưa ra các tít cũng như các đoạn tóm tắt ngắn gọn về những gì sẽ xuất hiện trên ô xu hướng.

Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả những gì bạn đọc về Nhóm Xu hướng của Facebook trong bài viết của Gizmodo đăng cách đây vài tuần đều mô tả sai hoặc không đúng hoàn cảnh. Tôi không biết đến bất cứ sự thiên vị chính trị nào và chúng tôi chưa bao giờ bị yêu cầu phải đè nén các tin tức liên quan đến đảng bảo thủ. Có rất nhiều nhân tài xuất chúng trong nhóm này, nhưng sự quản lý tệ hại, cùng với sự đe dọa, sự thiên vị và phân biệt giới tính đã khiến cho môi trường làm việc trở nên cực kỳ không thoải mái. Những nhân viên từng làm việc cùng tôi đã rất tức giận, ức chế và mất đi tiếng nói, đặc biệt là phụ nữ.

Một trong số những bài viết đầu tiên được xuất bản trên Gizmodo nói về điều kiện mà những nhân viên có hợp đồng làm việc tại bộ phận Xu hướng phải tuân thủ. Dù có rất nhiều điều cần thảo luận về vấn đề này, nhưng tôi rất thất vọng với đường hướng mà bài viết lựa chọn. Thay vì nhấn mạnh vào các vấn đề yếu kém của nhóm, bài viết lại mô tả những người phụ trách (đều là những nhân viên có hợp đồng) như những người thích nhõng nhẽo và có đặc quyền. Tôi không quan tâm về việc thỉnh thoảng tôi không có những giờ hạnh phúc. Tôi quan tâm đến việc một số lời cáo buộc về chuyện phân biệt đối xử chẳng bao giờ được xem xét nghiêm túc.

Điều khiến tôi thấy tổn hại nhất đó là cách nhóm này đối xử với phụ nữ: trái với những gì Sheryl Sandberg đã nói trong bài phát biểu Lean In Movement, phụ nữ trong nhóm hiếm khi được khuyến khích phát biểu.

Tôi thường thấy rằng khi tôi báo cáo về các vấn đề với công cụ Xu hướng hoặc sự thiếu nhất quán trong các hướng dẫn, những thông tin tôi cung cấp đều bị loại bỏ. Khi một người đàn ông đề cập tới cùng một vấn đề như vậy, anh ta có thể được khen ngợi vì phát hiện ra vấn đề và Facebook đưa ra những động thái để xử lý điều này ngay. Sự im lặng làm ngơ này thật có sức tàn phá. Tôi ngày càng nói ít, cho đến khi tôi chẳng còn báo cáo về bất cứ vấn đề hoặc lỗi nào tôi gặp phải nữa.

...

Từ năm 2014, 15 trong số khoảng 40 – 50 người trong nhóm Xu hướng đã nghỉ việc. 10 người là phụ nữ, bao gồm cả tôi. Những con số này nói lên rằng khi bạn tưởng rằng những người phụ trách được trả lương cao (mức lương khởi điểm khoảng 55.000 - 65.000 USD), ít nhất là cao so với hầu hết các chuẩn trong ngành truyền thông và được cung cấp những bữa ăn miễn phí thì thực ra công việc này về lý thuyết có thể rất hấp dẫn, nhưng tỷ lệ nghỉ việc cũng luôn cao.

Một số nhân viên nữ, bao gồm cả tôi, đã báo cáo thẳng lên người giám sát về việc bị người quản lý và biên tập viên phân biệt đối xử nhưng vô ích.

Mặc dù Facebook chịu khó thuê các nhà báo nhằm đưa ra các xu hướng chính xác, tuy nhiên chúng tôi không có tổ chức và thường phải chạy theo những ý tưởng bất chợt của các kỹ sư, những người thường xuyên thay đổi sản phẩm mà chẳng hề nói với chúng tôi.

Nhóm này ưu tiên tỉ lệ hơn là chất lượng biên tập và yêu cầu những nhân viên hợp đồng phải làm việc trong tình trạng bị stress nặng nề khi phải xử lý những con số lớn với sự sắp xếp thời gian lộn xộn và không thể giao tiếp được với nhau. Nếu một người phụ trách làm việc kém hiệu quả, họ sẽ nhận được email từ người giám sát, so sánh những con số của họ với những người phụ trách khác. Trong khi đó phần hướng dẫn thì thiếu rõ ràng.

Theo bài viết trên trang Guardian, nguồn tin từ một tài liệu rò rỉ cho hay: "Facebook chủ yếu dựa trên 10 nguồn tin để xem xét xem những nội dung xu hướng có bị ảnh hưởng bởi quyền biên tập" hay không. Nhưng vấn đề là sau khi lập lại câu hỏi và yêu cầu giải thích nhiều lần, không ai giải thích cho chúng tôi điều đó có nghĩa là gì. Nhiều yêu cầu người phụ trách và người biên tập buộc phải tự định nghĩa. Các chủ đề được xử lý khác nhau tùy theo bạn làm việc với ai...”.

Ngoài ra, nữ nhân viên này còn cho biết Facebook cấm đưa ra bất cứ chủ đề nóng nào có liên quan đến Twitter và cấm nhắc đến từ Twitter trong phần mô tả. Nhóm này thậm chí không có bộ phận nhân sự nên không có người để kiến nghị và những đề nghị của nhóm được gửi đến tay những người “chẳng biết gì về báo chí” cả.

Cựu nhân viên này còn cho biết vì công việc quá nhiều nên những người trong nhóm của cô không có thời gian đi ăn trưa. Thế nhưng, công ty lại trang bị hệ thống giám sát vào muộn. Nếu những người phụ trách vào muộn, họ sẽ bị ghi lại chính xác thời gian cũng như mức độ chậm trễ và thông tin sẽ được giữ bí mật, sau đó được sử dụng để đánh giá hiệu suất.

Facebook cũng khẳng định luôn cố gắng tạo điều kiện để nhân viên đi ăn trưa, và trả thêm lương cho khoảng thời gian làm thêm, thời gian nghỉ và thời gian nghỉ sinh con.

Công ty nhấn mạnh rằng mình không hề sử dụng bất cứ thuật toán hay hướng dẫn nào yêu cầu loại bỏ từ khóa “Twitter” ra khỏi mục Xu hướng và cam kết sẽ điều tra toàn bộ những vấn đề được nêu trong bức thư này.

Theo ICT News