|
Eximbank sẽ huy động 3.000 tỷ từ kênh trái phiếu |
Cụ thể, Eximbank dự kiến chào bán và phát hành tối đa 3.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không phải là nợ thứ cấp của ngân hàng.
Mệnh giá một trái phiếu là 100 triệu đồng hoặc bội số của 100 triệu đồng. Lãi suất trái phiếu cố định tối đa không quá 5,5%/năm, kỳ hạn tối đa 3 năm.
Eximbank dự kiến phát hành trái phiếu thành 6 đợt, mỗi đợt trị giá 500 tỷ đồng, vào quý IV/2024.
Về nguồn thanh toán lãi, gốc trái phiếu, ngân hàng sử dụng nguồn thu từ các khoản cho vay đến hạn trong năm 2024 và các năm về sau hoặc dùng các khoản đến hạn khác hay nguồn huy động từ tổ chức/cá nhân hoặc các nguồn vốn hợp pháp để thanh toán gốc và lãi trái phiếu.
Tính tới ngày 30/6/2023, quy mô tổng tài sản của Eximbank hơn 210.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả hơn 188.509 tỷ đồng, không có dư nợ trái phiếu.
Nhà băng đặt mục tiêu hết năm nay tổng tài sản lên 223.500 tỷ đồng; huy động vốn thêm 10,5%, đạt 175.000 tỷ. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng trưởng hơn 14%, khoảng 161.000 tỷ đồng, trong khi mục tiêu tỷ lệ nợ xấu giảm về 1,8%.
Liên quan đến hoạt động ngân hàng, Eximbank vừa cập nhật danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ đến ngày 10/10. Theo đó, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nắm giữ gần 78,9 triệu cổ phiếu EIB - tương đương tỷ lệ sở hữu 4,51%.
Thực tế, "ông lớn" quốc doanh này đã sở hữu lượng lớn cổ phiếu EIB từ nhiều năm nay. Trước năm 2012, Vietcombank nắm hơn 8,19% vốn Eximbank, nhưng sau đó giảm tỷ lệ sở hữu tại nhà băng này xuống 4,5%, theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Ngoài ra, danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn Eximbank còn có Công ty Cổ phần chứng khoán VIX với hơn 62,3 triệu cổ phiếu, tương đương 3,58%.
Hai cá nhân khác là bà Lương Thị Cẩm Tú (Phó chủ tịch Eximbank) và Lê Thị Mai Loan giữ lần lượt 1,12% và trên 1%. Cổ đông tổ chức lớn nhất hiện là Tập đoàn Gelex với 174,7 triệu cổ phiếu - tương đương 10% vốn.