Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ với báo chí bên lề cuộc gặp mặt báo chí nhân dịp năm mới 2015 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Trả lời báo chí về câu hỏi liên quan đến vấn đề có hay không khả năng năng tăng giá điện trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, hiện đã có 3 phương án tăng giá điện, nhưng việc quyết định như thế nào vẫn cần tính toán thêm. Đặc biệt, phương án điều chỉnh cần phải căn cứ vào sức chịu đựng của nền kinh tế.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết thêm, tại cuộc làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây về tài chính của EVN, các chuyên gia của WB đã báo động về tình trạng tài chính của EVN bởi giá điện quá thấp. Nếu kéo dài tình trạng này, EVN có thể sẽ phá sản.
Liên quan đến câu hỏi việc tăng giá điện trong thời gian tới có phải để bù lỗ cho EVN, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Không ai nói tăng giá điện chỉ để bù lỗ, giá điện hiện tại vẫn là dưới giá thành. Tăng giá điện quan trọng nhất là để giá điện được dần dần thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tiến tới thị trường. Hiện nay, xăng dầu đã làm được điều đó”.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện nay, giá điện tại Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Riêng những trường hợp thu nhập thấp người dân phải có trách nhiệm dùng ít thay vì dùng nhiều điện.
Phân tích về vấn đề này, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, bản thân chính sách của Chính phủ đã có hỗ trợ 30 kWh cho người nghèo. “Nghèo nghĩa là người ta chỉ dùng 2 - 3 cái bóng điện, cùng nữa là thêm cái tivi chứ dùng máy giặt, điều hòa, tủ lạnh… thì không thể gọi là nghèo được” - Thứ trưởng Bộ Công thương nói.
Về vấn đề giá điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, giá điện của Việt Nam hiện đang thấp thứ 31 trên tất cả các nước, việc tăng giá điện sẽ giúp kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. “WB ủng hộ việc tăng 40% trong vòng 3 năm tới, nếu không EVN sẽ phá sản do không đủ khả năng bù lỗ”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nhu cầu điện năng của Việt Nam sẽ vẫn cao (dự kiến là 12% trong giai đoạn 2015 - 2020). Với mức tăng trưởng đó, tổng vốn đầu tư cho các dự án điện sẽ phải vào khoảng 7,5 tỷ USD/năm. Theo tính toán, 70% số vốn này phụ thuộc vào khu vực tư nhân thông qua các dự án IPP (nhà máy điện độc lập). Tuy nhiên, việc giá điện đã không tăng từ hơn một năm qua và biểu giá điện hiện đang dưới giá thành khiến mục tiêu nói trên không thể đạt được, nếu không có biểu giá mới phù hợp.
Câu chuyện về những khó khăn trong hoạt động của ngành điện dường như là một đề tài luôn “nóng” và thu hút được nhiều người quan tâm.
Chia sẻ về những thách thức mà Tập đoàn EVN đang phải đối mặt tại Hội nghị Tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015, ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, khoản nợ hơn chục nghìn tỷ đồng vẫn chưa được giải quyết và phân bố vào đâu.
Theo ông Thanh, Chính phủ đã yêu cầu đến 2015 EVN về cơ bản phải giải quyết xong khoản lỗ đang tồn tại nhằm cân bằng tài chính. Tuy nhiên, với khoản lỗ sản xuất kinh doanh do hạn hán giai đoạn 2009 - 2010 khoảng 12.000 tỷ đồng đã được EVN xử lý xong, thì đến nay vẫn còn khoảng 8.800 tỷ đồng lỗ từ chênh lệch tỷ giá vẫn chưa được cân đối. Cộng với khoảng 8.000 tỷ đồng lỗ mới phát sinh từ giá than tăng, thuế tài nguyên nước tăng từ 2 lên 4%, phí môi trường rừng, chi phí lưới điện nông thôn… Như vậy, tổng cộng khoản lỗ tính tới hiện tại ngành điện là 16.800 tỷ đồng.
“Khoản lỗ này hiện EVN chưa thể cân đối được, là thách thức rất lớn của Tập đoàn trong năm 2015”, Tổng giám đốc Tập đoàn EVN nhấn mạnh.
Mặc dù ngành điện đang đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính và khả năng tăng giá điện là điều hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng tại phiên họp ngày 22/1/2015 của Tổ công tác liên Bộ điều hành kinh tế vĩ mô (Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã khẳng định, giá điện sẽ không tăng trước Tết Nguyên đán Ất Mùi. Sau Tết, việc tăng ở mức nào, tăng bao nhiêu sẽ tính sau và phải cân nhắc phù hợp với bối cảnh nền kinh tế dưới tác động của giá dầu.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết, hiện nay, giá điện của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực, sẽ gây lãng phí trong sử dụng điện, không tiết kiệm. Mức giá điện phải đảm bảo ngành điện có lãi nhất định để tái đầu tư, thu hút được vốn đầu tư vào lĩnh vực điện. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương án giá điện nào, bao giờ thì sẽ quyết định thì các đơn vị quản lý sẽ phải cân nhắc với tình hình chung của nền kinh tế dưới tác động của giá dầu. Việc này sẽ đảm bảo cân đối lợi ích của người dân và doanh nghiệp sản xuất.
Theo: VnMedia