Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) sẽ được trình vào đầu tháng 12, thay đổi cách quản lý nội dung trên các nền tảng như Google, Facebook. Nhìn chung, EU muốn các gã khổng lồ công nghệ chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với nội dung đăng trên nền tảng của họ và bảo đảm đối thủ có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng trước các ông lớn.
Thomas Vinje, đối tác tại hãng luật Clifford Chance, gọi đây là “cuộc cách mạng”. Ông cho biết, quy định sắp tới có thể buộc các hãng phải thay đổi thực hành kinh doanh, thậm chí là mô hình kinh doanh.
Tháng trước, Margrethe Vestager – người phụ trách cạnh tranh tại EU – vạch ra một vài thay đổi có thể xuất hiện trong quy định mới. Theo đó, yêu cầu các dịch vụ kỹ thuật số, đặc biệt là nền tảng lớn, minh bạch về cách họ định hình thế giới số. Họ phải báo cáo những việc đã làm để gỡ bỏ nội dung phi pháp. Họ phải thông báo cách họ quyết định khuyến nghị hay ẩn thông tin hay sản phẩm với người dùng. Người dùng phải được gây ảnh hưởng lên các quyết định ấy. Họ phải nói cho người dùng biết ai đang trả tiền cho quảng cáo và vì sao người dùng là mục tiêu của một số quảng cáo nhất định.
Đây sẽ là thay đổi lớn đối với các hãng công nghệ, vốn luôn từ chối tiết lộ thuật toán trong nhiều năm. Nicolas Petit, Giáo sư luật cạnh tranh tại Viện Đại học châu Âu, ví các quy định trong DSA như “sóng thần”.
Cuộc chiến pháp lý dài hơi
Những năm gần đây, EC mở một số cuộc điều tra cấp cao nhằm vào những công ty như Amazon, Facebook, Apple và Google vì lo ngại vị thế của họ làm cản trở cạnh tranh. Các cuộc điều tra này phần lớn do bà Magrethe Vestager dẫn đầu. Song, kết quả của chúng thường không có nhiều tác động, còn quan chức châu Âu mệt mỏi vì cuộc chiến pháp lý kéo dài.
Chẳng hạn, năm 2017, EC phạt Google 2,4 tỷ EUR vì quảng bá dịch vụ mua sắm của mình thay vì đối thủ. Google thực hiện một số thay đổi sau khi bị phạt song nghiên cứu của Lademann & Associates cho thấy không có nhiều thay đổi. Theo nghiên cứu, chưa tới 1% lượng truy cập vào Google Shopping được chuyển sang các website mua sắm khác.
Gần đây hơn, EC yêu cầu Ireland truy thu 13 tỷ USD tiền thuế của Apple song cũng bị kháng cáo. Tòa án chung EU ra phán quyết vào tháng 7 rằng EC không chứng minh được chính phủ Ireland biệt đãi Apple. EC kháng cáo lại phán quyết này nhưng rất khó thành công.
Hồi cuối tháng 10, bà Vestager từng nhận định: “Có lẽ thách thức lớn nhất mà chúng ta đối mặt với việc thi hành pháp luật là bảo đảm chúng ta có khung pháp lý và quyền lực thích hợp để giữ cho thị trường kỹ thuật số cạnh tranh và công bằng”.
Lo lắng của Google
Trả lời CNBC hôm đầu tuần, Georgios Petropoulos – nhà nghiên cứu của tổ chức Bruegel – cho biết các gã khổng lồ công nghệ đang “lo lắng” về quy định sắp tới. Phó Chủ tịch Chính sách công và các vấn đề toàn cầu Google Karan Bathia bày tỏ lo ngại về một số đề xuất sẽ ngăn chặn các hãng công nghệ phục vụ nhu cầu gia tăng của người dùng và doanh nghiệp châu Âu.
Chẳng hạn, Bathia giải thích quy định mới có thể ngăn Google Search hiển thị nhà hàng gần đây và tùy chọn đặt bàn trước. Google khẳng định họ ủng hộ tham vọng của DSA trong việc đặt ra quy định rõ ràng cho 20 năm tới nhưng lo lắng sẽ làm chậm tốc độ hồi phục kinh tế.
Quy định cũng ảnh hưởng đến Facebook, Amazon và Apple cùng những người chơi nhỏ khác.
Những gì EC trình lên phải được các thành viên EU và Thượng viện Châu Âu thông qua. Nhà phân tích cao cấp Dexter Thillien của hãng Fitch Solutions cho biết, sẽ mất vài tháng trước khi dự luật trở thành luật hoàn chỉnh. Theo ông, Big Tech sẽ sử dụng quy trình pháp lý để nhấn mạnh tác động tiêu cực đến đổi mới và toàn bộ nền kinh tế của đạo luật, đồng thời cố gắng để quy định cuối cùng bớt nghiêm khắc hơn đề xuất ban đầu. Dù vậy, ngoài việc vận động hành lang, các gã khổng lồ không thể làm gì để ngăn chặn quy định mới trong ngắn hạn.
Theo Vietnamnet