EU dần “mất hứng” với các lệnh trừng phạt Nga

Các Ngoại trưởng EU đã dần “mất hứng” trước việc tăng áp lực với Nga về vấn đề Ukraine, đề nghị cho lệnh ngừng bắn vốn vẫn rất mong manh "thêm cơ hội" trước khi quyết định áp đặt thêm các trừng phạt.
Ngoại trưởng các nước châu Âu tại cuộc họp không chính thức ở Riga (thủ đô Latvia) ngày 6/3/2015.
Ngoại trưởng các nước châu Âu tại cuộc họp không chính thức ở Riga (thủ đô Latvia) ngày 6/3/2015.

Hầu hết các Bộ trưởng tại cuộc họp EU ở thủ đô Latvia đã đặt hy vọng vào sự thành công của thỏa thuận Minsk mới nhất và cho rằng EU chỉ nên cân nhắc siết chặt trừng phạt nếu lệnh ngừng bắn đó bị vi phạm nghiêm trọng, ví dụ như một cuộc tấn công của ly khai ở thành phố cảng Mariupol.

Cả quân đội Kiev và quân ly khai thân Nga đều buộc tội lẫn nhau về việc vi phạm kể từ khi thỏa thuận hòa bình được ký kết tháng trước, kêu gọi lẫn nhau rút vũ khí hạng nặng ra khỏi ranh giới phân định ở miền đông Ukraine.

Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni đã nhận thấy “những dấu hiệu tích cực” ở Ukraine và cho biết: “Tại thời điểm này, chúng tôi không cần các trừng phạt mới hay gia hạn trừng phạt”.

Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz thể hiện sự đồng tình: “Đã thoáng thấy những hy vọng của hiệp định Minsk này… Bây giờ chúng ta cần làm mọi thứ để cải thiện tình hình rồi sau đó mới xem liệu thực sự có diễn biến tốt lên hay không và quyết định giảm, hoặc kéo dài các lệnh trừng phạt”.

Các bình luận đó cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ 28 quốc gia EU về việc trừng phạt Nga - quốc gia cung cấp năng lượng lớn nhất cho khối này.

Trong khi Anh, Ba Lan và các nước Baltic khá cứng rắn thì nhiều thành viên EU khác như Ý, Áo và Síp lại tỏ ra ngờ vực về các trừng phạt này. Còn tân Thủ tướng Hy Lạp lại ủng hộ các biện pháp hòa bình.

Điều then chốt là EU phải sớm đối mặt với việc có nên kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế Nga (áp đặt từ tháng 7 năm ngoái). Quyết định này cần phải được các thành viên trong khối thống nhất đưa ra.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 6/3 nói rằng, một số nước đã đề xuất lên EU, yêu cầu liên minh tuyên bố sẽ mở rộng trừng phạt kinh tế cho tới hết năm.

Ông Fabius cho biết: “Những nước khác lại nói ở đây có một chút mâu thuẫn: một mặt, thỏa thuận Minsk đang được thực hiện và mặt khác, chúng ta lại chuẩn bị kéo dài trừng phạt đến hết năm”. Ông nói rằng quyết định này có thể sẽ phải chờ đến tầm tháng 7: “Nếu thỏa thuận đó diễn ra theo hướng tích cực thì sẽ không có trừng phạt mới nào nữa. Còn nếu không, đó là những vi phạm nghiêm trọng đối với Hiệp định Minsk, các trừng phạt vẫn sẽ tiếp diễn”.

Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius cho biết, việc kéo dài trừng phạt đến cuối năm “là điều tối thiểu chúng ta có thể làm”.

Còn Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders cho rằng các trừng phạt nên kéo dài đến hết năm: “Dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, chúng tôi cũng sẽ duy trì tính thống nhất trong EU và trên hết, chúng tôi sẽ tiếp tục gây áp lực để mọi thứ phải thay đổi”.

Theo: InfoNet