|
Apple vướng vào vụ kiện chống độc quyền với EU. |
Ủy ban châu Âu hôm nay chính thức cáo buộc Apple đã đặt ra các quy tắc bất cập trên App Store, buộc các nhà phát triển phải sử dụng hệ thống thanh toán trong ứng dụng của riêng Apple và ngăn các nhà phát triển thông báo với người dùng các tùy chọn mua hàng khác.
Ủy ban châu Âu cho biết trong một tuyên bố: "Các quy định này của Apple đã làm tăng chi phí của các nhà phát triển ứng dụng truyền thông nghe nhạc khác và làm méo mó sự cạnh tranh trên thị trường dịch vụ phát nhạc trực tuyến. Điều này khiến người tiêu dùng đăng ký trình nhạc trên các thiết bị iOS với giá cao hơn."
Ủy viên chống độc quyền của EU Margrethe Vestager cho biết: "Thông qua App Store, Apple đã trở thành 'người gác cổng' cho người dùng iPhone và iPad. Bằng cách đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt trên App Store, nhạc của các đối thủ cạnh tranh có thể gặp bất lợi. Apple đã tước đoạt của người dùng các tùy chọn phát trực tuyến nhạc rẻ hơn và sự cạnh tranh bị bóp méo."
|
Nền tảng nghe nhạc của Thụy Điển đã nộp đơn kiện Apple đối xử không công bằng, lạm dụng vị trí thống trị thị trường chèn ép đối thủ cạnh tranh. |
Vụ việc bắt đầu từ hai năm trước, khi gã khổng lồ dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Spotify của Thụy Điển đệ đơn lên Ủy ban châu Âu chống lại Apple, cáo buộc Apple tính phí đăng ký 30% mỗi khi người dùng Spotify thanh toán trên App Store là quá cao. Ngoài ra, Apple cũng từ chối cho người dùng biết về các phương thức truy cập rẻ hơn (Spotify) nằm ngoài hệ sinh thái của hãng.
Liên quan đến khiếu nại của Spotify, Ủy ban châu Âu đã mở một cuộc điều tra vào tháng 6/2019. Bà Vestager cho biết vào thời điểm đó, Apple dường như đã trở thành "người gác cổng" trong việc phân phối ứng dụng và nội dung cho người dùng thiết bị iOS.
Và Spotify cho rằng Apple đối xử không công bằng với các đối thủ cạnh tranh và nhằm mục đích quảng bá dịch vụ phát nhạc trực tuyến của riêng mình. Spotify tuyên bố rằng quyền kiểm soát App Store của Apple không chỉ tước đi sự lựa chọn của người tiêu dùng mà còn tước quyền của các nhà cung cấp dịch vụ phát nhạc trực tuyến khác. Apple đã làm điều này hoàn toàn để phục vụ dịch vụ âm nhạc trực tuyến Apple Music, được ra mắt vào năm 2015.
Đáp lại, Apple cho biết trường hợp của EU là "ngược lại với cạnh tranh công bằng". Đối với 30% đơn khiếu nại trên Spotify, Apple phản hồi rằng đối với các ứng dụng miễn phí, Apple không tính phí phân phối, và chỉ tính phí 30% cho các ứng dụng đăng ký trả phí. Hơn nữa, nếu đăng ký vượt quá một năm, tỷ lệ sẽ giảm xuống còn 15%.
"Spotify đã trở thành dịch vụ đăng ký âm nhạc lớn nhất trên thế giới và chúng tôi tự hào về vai trò của mình trong đó. Họ muốn có tất cả các lợi ích của App Store nhưng không muốn phải trả bất cứ thứ gì cho điều đó".
Apple hiện phải trả lời các mối quan tâm của Ủy ban bằng văn bản hoặc thông qua một phiên điều trần.
Trận chiến pháp lý
Đây không phải là cuộc điều tra đầu tiên mà Ủy ban châu Âu tiến hành chống lại Apple. Vào tháng 9, Ủy ban đã quyết định đưa Apple và chính phủ Ireland ra tòa án cấp cao nhất trong Liên minh châu Âu vì hành vi đánh thuế không công bằng.
Năm 2016, EU đã ra phán quyết rằng Apple phải hoàn trả 13 tỉ euro (15,7 tỉ USD) tiền thuế chưa nộp cho chính phủ Ireland, khi quốc gia này "miễn giảm thuế không chính đáng" cho công ty. Tuy nhiên, cả chính phủ Ireland và Apple đều phản đối cáo buộc này.
Với hy vọng làm cho thị trường trở nên công bằng hơn, Ủy ban châu Âu đang nghiên cứu quy định mới có thể tác động đến nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ. Luật vẫn đang được thảo luận bởi các nhà lập pháp châu Âu. Ngoài việc thực thi những thay đổi thiết thực, nó cũng sẽ có quyền phạt các công ty tới 10% doanh thu hàng năm.
Theo CNBC