Elon Musk và Jeff Bezos tranh giành không gian cho vệ tinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Công ty SpaceX của Elon Musk muốn hạ độ cao quỹ đạo vệ tinh Starlink, nhưng Amazon của Jeff Bezos phản đối vì lo ngại va chạm.

SpaceX khơi mào "cuộc chiến" mới khi muốn vệ tinh của mình hạ độ cao quỹ đạo, giúp hệ thống Internet Starlink cải thiện tốc độ băng thông và giảm nguy cơ bị các mảnh vỡ trong không gian va phải.

Elon Musk (phải) và Jeff Bezos đều đang có tham vọng phủ sóng Internet vệ tinh. Ảnh: Business Insider.

Elon Musk (phải) và Jeff Bezos đều đang có tham vọng phủ sóng Internet vệ tinh. Ảnh: Business Insider.

Công ty của Musk hiện đã phóng lên 1.025 trong tổng số 12.000 vệ tinh dự kiến. Ông cho biết, khoảng 2.800 vệ tinh sẽ hạ độ cao quỹ đạo để đảm bảo yêu cầu.

Tuy nhiên, theo Amazon, quỹ đạo mới của Starlink sẽ gây nhiễu tín hiệu và gây nguy cơ va chạm với Kuiper - dự án Internet vệ tinh trị giá 10 tỷ USD của Amazon. Công ty của Bezos dự kiến triển khai tổng cộng 3.236 vệ tinh, nhưng chưa có chiếc nào được phóng lên quỹ đạo.

"Chúng tôi đã thiết kế vệ tinh Kuiper để tránh đụng chạm đến Starlink và bây giờ SpaceX lại muốn thay đổi mọi thứ", đại diện Amazon cho biết.

Ngày 26/1, Musk chỉ trích sự phản đối của Amazon trên Twitter. Ông cho rằng công ty này cố tình ngăn cản Starlink - một dự án đã đưa vào thử nghiệm đại trà, trong khi hệ thống của Amazon "phải vài năm nữa mới hoạt động".

Trong văn bản đệ trình lên chính phủ tuần trước, SpaceX nói đã lường trước việc Amazon ngăn cản các yêu cầu. Công ty cũng phàn nàn Amazon "được quyền chiếm quỹ đạo thấp nhưng lại không hề phóng lên bất cứ vệ tinh nào".

Đáp lại, Amazon cho rằng yêu cầu của SpaceX sẽ để lại nhiều hệ lụy. "Những thay đổi đó không chỉ tạo ra các vụ va chạm trong không gian, mà còn làm tăng nhiễu sóng vô tuyến. Nó cũng sẽ cản trở sự cạnh tranh giữa các hệ thống vệ tinh trong tương lai", đại diện Amazon nói. "Rõ ràng, SpaceX muốn ngăn chặn sự cạnh tranh ngay từ đầu, chứ không phải là hành động vì lợi ích đại chúng".

Theo các chuyên gia, khu vực tầng thấp là nơi phù hợp nhất cho vệ tinh phát sóng Internet, vì phóng vệ tinh lên quỹ đạo này dễ dàng hơn, đồng thời khả năng phát sóng và băng thông mạng cũng cao hơn.

Trong quá khứ, hiếm có vụ va chạm vệ tinh nào nghiêm trọng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khi những công ty như SpaceX, Amazon hay OneWeb (Anh) chạy đua phóng vệ tinh lên quỹ đạo, nguy cơ xảy ra tai nạn có thể cao hơn.

Năm ngoái, SpaceX yêu cầu FCC cho phép họ di chuyển 2.824 vệ tinh xuống quỹ đạo thấp hơn, từ 1.100 - 1.300 km xuống còn 540 - 570 km, với vùng đệm 30 km. Amazon khi đó cũng phản đối, bởi các vệ tinh Kuiper đang hoạt động ở độ cao 590 km với vùng đệm là 9 km.

Các nhà khoa học từ lâu lo ngại các vụ va chạm trong không gian có thể tạo ra một phản ứng dây chuyền, gọi là "phản ứng Kessler". Trong đó, nguy cơ nghiêm trọng nhất của nó là làm hỏng các mạng lưới thông tin liên lạc trên Trái đất do các mảnh vỡ văng vào hệ thống vệ tinh hiện có. Năm 2019, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) buộc phải bắn hạ động cơ đẩy một vệ tinh của mình để tránh rủi ro. Khi đó, thiết bị của ESA đang có xu hướng đâm vào một vệ tinh của Starlink.

Theo VnExpress