Elon Musk lý giải việc "thay tên đổi họ" Twitter, nhưng không phải ai cũng đồng tình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ông Musk chia sẻ trong những tháng tới, ứng dụng sẽ trở thành trung tâm tài chính cá nhân của người dùng. Khi đó, tên gọi Twitter không còn ý nghĩa gì nữa, đã đến lúc phải tạm biệt "chú chim xanh" này

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Tỉ phú Elon Musk đã giải thích quyết định loại bỏ biểu tượng chim xanh nổi tiếng của Twitter như một động thái để biến doanh nghiệp này trở thành một "siêu ứng dụng" tương tự Wechat của Trung Quốc - mục tiêu mà vị tỉ phú này đã nhắm tới từ lâu.

Ông Musk giải thích: "Đây không đơn giản là việc một công ty tự đổi tên, mà là sứ mệnh phải tiếp bước. Cái tên Twitter chỉ có nghĩa khi là những dòng tin dài tối đa 140 ký tự được gửi qua lại - như tiếng chim hót. Nhưng những tháng tới, ứng dụng sẽ trở thành trung tâm tài chính cá nhân của người dùng. Khi đó, tên gọi Twitter không còn ý nghĩa gì nữa, đã đến lúc phải tạm biệt chú chim xanh này".

Trong quá khứ, ông Musk đã liên tục nhắc về mô hình hoạt động của WeChat - một siêu ứng dụng của Tencent được hầu hết người Trung Quốc sử dụng cho mọi thứ, từ thanh toán đến nhắn tin, cùng với các dịch vụ tài chính trực tuyến như cho vay tiêu dùng.

“Về cơ bản, bạn buộc phải sử dụng Wechat tại Trung Quốc vì nó rất tiện dụng, hữu ích cho cuộc sống hàng ngày, và tôi nghĩ nếu chúng ta có thể tiến gần đến điều đó ở Twitter, thì đó sẽ là một thành công to lớn”, ông Musk phát biểu tại một cuộc họp ở trụ sở của công ty vào tháng 6 năm ngoái.

Mối liên hệ của ông Musk với chữ X đã có từ 24 năm trước khi ông thành lập X.com, sau này được đổi tên thành PayPal bất chấp sự phản đối của vị tỉ phú này.

Công ty thám hiểm không gian của ông có tên là SpaceX và công ty mẹ của Twitter cũng đã được đổi tên thành X vào đầu năm nay.

“Twitter đã được X Corp mua lại để đảm bảo quyền tự do ngôn luận và như một phần của kế hoạch xây dựng một ứng dụng đa chức năng”, ông Musk đã tweet vào cuối ngày 24/7.

Mới đây, Giám đốc điều hành Twitter - bà Linda Yaccarino cho biết X sẽ bao gồm các tính năng của fintech như thanh toán và ngân hàng.

CEO mới của nền tảng mạng xã hội này đã tweet: "X là biểu tượng không giới hạn trong tương lai. Nền tảng sẽ tập trung vào âm thanh, video, tin nhắn, thanh toán. Đây sẽ là môi trường toàn cầu cho các ý tưởng sáng tạo, trao đổi dịch vụ, hàng hóa và tìm kiếm cơ hội mới. Twitter mới sẽ được hỗ trợ bởi AI, giúp người dùng kết nối với nhau theo những cách trước đây chúng ta chỉ tưởng tượng về nó".

Được biết, ông Elon Musk đã chiêu mộ bà Yaccarino với nhiệm vụ khôi phục lòng tin với các nhà quảng cáo cũng như người dùng sau một loạt thay đổi đột ngột, có phần tùy tiện do ông Musk thực hiện.

Các cựu nhân viên Twitter chỉ trích quyết định đổi logo của ông Musk

Việc thay đổi logo đã vấp phải hàng loạt sự chỉ trích bởi chú chim xanh từ lâu đã là một trong những biểu tượng hàng đầu của thời đại truyền thông xã hội.

Martin Grasser, một trong những nhà thiết kế đầu tiên của biểu tượng chú chim xanh, đã viết rằng đây là một biểu tượng “đơn giản, cân đối và dễ dàng nhận biết với một sự tối giản nhất định”.

Nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey, đã trả lời Grasser bằng một biểu tượng cảm xúc của một con dê, ám chỉ rằng biểu tượng chú chim xanh là “tuyệt vời nhất mọi thời đại”.

Esther Crawford, cựu giám đốc sản phẩm của Twitter, nói việc đổi tên chẳng khác nào "mổ bụng công ty", ám chỉ nghi thức tự sát của các samurai Nhật Bản. Bà cho rằng quyết định đột ngột như vậy là do thiếu hiểu biết hoặc thiếu tôn trọng cảm giác của khách hàng.

Vanitha Swaminathan, Giáo sư tiếp thị tại Đại học Pittsburgh (Mỹ), cảnh báo động thái này có thể gây thiệt hại thêm cho Twitter. "Mỗi lần công ty đổi tên, khách hàng thường không thích dù bất cứ lý do gì. Nhưng trong trường hợp này, nếu họ thực sự muốn đi theo một hướng khác hoặc muốn giảm bớt chi phí PR, đây là lựa chọn tốt cho một khởi đầu mới", bà nhận định.

Kể từ khi ông Musk mua Twitter với giá 44 tỉ USD vào tháng 10 năm ngoái, hoạt động kinh doanh quảng cáo của nền tảng này đã sụp đổ khi các nhà tiếp thị chán nản với phong cách quản lý của ông.

Tuần trước, Musk cho biết Twitter đã thâm hụt khoảng một nửa doanh thu quảng cáo kể từ khi ông nắm quyền.

Nhằm giải quyết vấn đề nguy cấp này, ông Musk đã chuyển hướng xây dựng hàng loạt các mô hình đăng ký mới để tìm kiếm nguồn doanh thu ổn định hơn. Nhiều người dùng cũng như nhà quảng cáo đã phản ứng gay gắt với các khoản phí mới này.

Twitter được cho là có khoảng 200 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, nhưng nền tảng liên tục gặp lỗi kỹ thuật kể từ khi ông Musk mạnh tay cắt giảm hàng loạt nhân viên.

Theo SCMP