Từ tháng 4 năm 2003, Tổng công ty ĐSVN đơn thuần là đơn vị kinh doanh hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, vai trò tham mưu quản lý nhà nước được giao cho Cục Đường sắt. Với bộ máy khá lớn, gồm 9 phòng và các đội thanh tra đường sắt rải dọc đường sắt từ Bắc vào Nam, ngay từ khi thành lập Cục đường sắt được giao gần 20 đầu việc quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành đường sắt.
Khi an toàn giao thông đường sắt đến mức “báo động đỏ” cũng là lúc dư luận xã hội, lãnh đạo Bộ GTVT nhìn lại, đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác của Cục ĐSVN.
Để đảm bảo an toàn cho hành khách đi tàu, Người lao động đường sắt vẫn miệt mài dưới nắng nóng |
“Mất bò mới lo làm chuồng”
Theo quy định của Bộ trưởng GTVT về chức năng nhiệm vụ, Cục đường sắt có nhiệm vụ “Xây dựng, trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, các chương trình, dự án, đề án quốc gia về phát triển giao thông vận tải đường sắt trong phạm vi cả nước theo phân công của Bộ trưởng; tham gia xây dựng hoặc đóng góp ý kiến đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chương trình, dự án, đề án thuộc lĩnh vực khác có liên quan đến giao thông vận tải đường sắt theo sự phân công của Bộ trưởng”.
“Xây dựng, trình Bộ trưởng các văn bản quy phạm pháp luật về đường sắt; ban hành theo thẩm quyền các văn bản khác về đường sắt; tham gia xây dựng các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.Về xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật”.
Đặc biệt về an toàn giao thông đường sắt, Cục ĐSVN có chức năng, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng “Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến quản lý an toàn giao thông đường sắt; Tham gia điều tra, xử lý sự cố, tai nạn giao thông đường sắt;..”.
Đến giờ, những vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý, thông tin về đường sắt còn nhiều ý kiến trái chiều, nhiều phản biện không sát với thực trạng đường sắt là do chức năng “tổ chức thực hiện và thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật” không tốt. Ngay tại thủ đô, người ta vẫn chứng kiến nhiều nhà dân nằm sát cạnh đường sắt, vi phạm nghiêm trọng ATGT, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng người dân hàng chục năm vẫn không có ai đứng ra giải quyết.
Sau khi có kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp giao ban đột xuất về công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt ngày 30/5/2018, lúc đó Cục ĐSVN mới có công văn đề nghị Tổng công ty ĐSVN báo cáo “các quy trình quản lý về an toàn giao thông đường sắt bao gồm quản lý về bảo trì kết cấu hạ tầng, quản lý khai thác vận tải đường sắt; quản lý khai thác phương tiện giao thông đường sắt”. Điều mà đáng lẽ, từ rất lâu Cục ĐSVN phải nắm, thậm chí nắm rất vững hệ thống văn bản do Tổng công ty ĐSVN đã ban hành, chứ không phải “mất bò mới lo làm chuồng”. Đúng ra, cũng không ngồi chờ Tổng công ty ĐSVN báo cáo mà Cục cần lập đoàn kiểm tra đột xuất về vấn đề liên quan đến an toàn đang gây bức xúc dư luận.
Từ trụ sở của Cục Đường sắt (80 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) đến trụ sở Tổng công ty ĐSVN (118, Lê Duẩn, Hà Nội) không bao xa, nhưng đến nay, Cục Đường sắt mới chính thức đề nghị cung cấp thông tin: “Cung cấp thông tin về cơ cấu tổ chức, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn giao thông đường sắt hiện nay. Cung cấp số lượng, chủng loại các phương tiện phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn…Cung cấp đầu mối và số điện thoại của tổ chức, cá nhân để liên hệ với Cục Đường sắt”. Một cách làm việc không thể hiện được sự cương quyết, dứt khoát trong tình hình “nước sôi, lửa bỏng” như hiện nay.
Chỉ cần đọc văn bản 1083/CĐSVN-VTATGT ngày 1/6/2018 do Cục trưởng Vũ Quang Khôi ký về việc thực hiện thông báo kết luận của Bộ trưởng tại cuộc họp về công tác đảm bảo an toàn trật tự giao thông đường sắt người ta cũng phần nào đánh giá được sự mờ nhạt của Cục ĐSVN trong việc tham mưu, kiểm tra và ngăn chặn tai nạn đường sắt. Đã nhiều năm nay, người đứng đầu an toàn các công ty thuộc Tổng công ty ĐSVN không được mời dự họp giao ban. Chức năng kiểm tra, điều tra, phân tích vi phạm, trở ngại, tai nạn được Tổng công ty ủy quyền cho các chi nhánh khai thác là vi phạm nguyên tắc “độc lập xét xử” cũng không được Cục ĐSVN “thổi còi”. Việc để các cán bộ Phân ban Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt khu vực không có chuyên môn về đầu máy, toa xe, thông tin, tín hiệu và vận tải đi kiểm là trái quy định cũng không được Cục có ý kiến.
Các đội thanh tra đường sắt do Cục quản lý, điều hành nằm tại các khu vực có đường sắt đi qua tần suất kiểm tra, nhất là kiểm tra bất thường khá ít. Trong quá trình kiểm tra, không phát hiện được các vi phạm của các cá nhân, đơn vị cắt xét quy trình, gây nguy cơ tai nạn. Những bất cập về mô hình, nhân sự làm công tác ATGT của Tổng công ty ĐSVN trong một thời gian dài không được các phòng nghiệp vụ của Cục ĐSVN có ý kiến, vẫn tồn tại “dĩ hòa vi quý” trong công việc.
Bộ GTVT đang tính đến việc thành lập “Trung tâm cứu nạn, cứu hộ đường sắt và Trung tâm giám sát ATGT”
để tăng cường an toàn chạy tàu
|
Bộ trưởng lại phải ra tay
Nhiều cán bộ lãnh đạo Cục đường sắt chưa tỏ rõ được vai trò của mình trong chức năng nhiệm vụ được phân công. Trước những tai nạn liên tiếp liên quan đến đường sắt, trong đó có nguyên nhân chủ quan không được ngăn chặn kịp thời, mới đây bộ trưởng GTVT đã chỉ đạo “Đánh giá lại hoạt động của thanh tra Cục ĐSVN, tăng cường vai trò, nâng cao ý thức, trác nhiệm công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành”. Bản thân Cục trưởng Vũ Quang Khôi, khi có mặt tại ga Núi Thành tham gia chỉ đạo cứu viện, yêu cầu các đơn vị đường sắt làm đường bộ để đưa cẩu 100 tấn vào hiện trường cẩu đầu máy không khả thi, làm chậm tiến độ, tốn kém kinh phí.
Trước những đe dọa an toàn nghiêm trọng, không chờ Cục Đường sắt tham mưu mà đích thân Bộ trưởng GTVT đã phải “cầm tay, chỉ việc” chỉ đạo khẩn cấp thực hiện 4 nhiệm vụ: “Chủ trì việc đánh giá lại quy trình quản lý an toàn đường sắt sau khi Tổng công ty ĐSVN sắp xếp, cổ phần hóa; Khẩn trương chỉ đạo lực lượng thanh tra tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT; Chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương có đường sắt đi qua nghiên cứu, đề xuất các giải pháp; Nghiên cứu các cơ sở pháp lý, tham mưu cho Bộ ban hành các văn bản bổ sung, các quy định để kiểm soát công tác đảm bảo an toàn đường sắt của Tổng công ty ĐSVN”.
Một quyết định tuy muộn nhưng thể hiện được sự quyết liệt của Bộ GTVT trước thực trạng báo động đỏ, khi tình hình tai nạn đường sắt liên tục tăng. Chúng tôi thống nhất cao với chỉ đạo của Bộ GTVT bên cạnh kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh Tổng công ty cũng cần “Đánh giá lại hoạt động của thanh tra Cục ĐSVN”. Nếu Bộ trưởng GTVT chỉ đạo “nghiêm túc kiểm điểm trong nội bộ, từ chủ tịch Tổng công ty… và sớm thành lập “trung tâm cứu nạn, cứu hộ đường sắt và Trung tâm giám sát ATGT” nhưng chức năng tham mưu quản lý nhà nước của Cục ĐSVN không được đổi mới, nguy cơ mất an toàn vẫn tiếp diễn.