Bộ não của ĐSVN thời đại 4.0: cần sớm được hiện đại hóa

VietTimes-- Hiếm có đường sắt quốc gia nào, nhân viên điều độ chạy tàu, được ví như “bộ não” trong thời đại công nghệ 4.0, công cụ làm việc chỉ là chiếc thước kẻ và cái bút chì xanh, đỏ như ở Việt Nam. Dự án “Hiện đại hóa trung tâm điều hành vận tải đường sắt” triển khai hơn 10 năm nay liên tục phải xin thay đổi tiến độ.  
Hơn 70 năm nay, điều độ chạy tàu ĐSVN chỉ có bút chì và thước kẻ
Hơn 70 năm nay, điều độ chạy tàu ĐSVN chỉ có bút chì và thước kẻ

Để thực hiện kế hoạch vận tải, ĐSVN phải ban hành Biểu đồ chạy tàu toàn hệ thống, quy định rõ số lượng đoàn tàu khách, tàu hàng, giờ chạy, tấn số, loại đầu máy. Đối với cơ sở hạ tầng khá lạc hậu, đầu máy toa xe cũ kỹ, khai thác chung kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách trên đường đơn nên vai trò của điều độ chỉ huy chạy tàu cực kỳ quan trọng.

Trong 9 chức danh liên quan đến chạy tàu, điều độ chính là người đòi hỏi có trình độ chuyên môn cao nhất. Họ chính là người khôi phục giờ tàu khi gặp vi phạm, trở ngại, tai nạn đường sắt. Nếu điều độ viên chạy tàu giỏi, tỷ lệ chạy rỗng của toa xe hàng thấp, tỷ lệ đầu máy chạy phụ trợ giảm, thời gian quay vòng toa xe ngắn, giúp cho việc khai thác đầu máy, toa xe hiểu quả.

Điều độ viên là chỉ huy hay làm thuê?

Trước năm 2003, các Phòng điều độ trực thuộc 3 Xí nghiệp liên hợp vận tải đường sắt khu vực nên tình hình xe, xếp dỡ hàng hóa, lập tàu…khá thuật lợi. Liên hiệp đường sắt Việt Nam chỉ có bộ phận điều độ liên tuyến, chủ yếu là chắp mối liên hệ tại điểm ráp ranh Đồng Hới, Diêu Trì giữa 3 phòng điều độ, không chỉ huy trực tiếp. Trong mô hình tổ chức hiện nay, Trung tâm điều hành vận tải trực thuộc Tổng công ty ĐSVN, các công ty vận tải không còn các phòng điều độ như trước đây. Xuất hiện tình trạng, các công ty vận tải không nắm được chính xác hàng hóa đi-đến, nhất là khi xảy ra sự cố phát sinh dọc đường.

Hàng lang pháp lý, quan hệ giữa điều độ viên chạy tàu và các công ty kinh doanh vận tải chậm được làm rõ. Trong mô hình mới, điều độ viên là người chỉ huy hay là người làm thuê cho các các công ty kinh doanh vận tải? Nếu làm thuê thì khi các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật về vận dụng đầu máy, toa máy không đạt sẽ bị chế tài như thế nào? Hiện nay duy nhất Điều 38 “Quy tắc giao thông đường sắt” (Luật Đường sắt) quy định về chỉ huy chạy tàu: a) Việc chạy tàu ở mỗi khu đoạn chỉ do một nhân viên điều độ chạy tàu tuyến chỉ huy. Mệnh lệnh chạy tàu phải được thực hiện thông qua sự chỉ huy của nhân viên điều độ chạy tàu tuyến. Đây chỉ là quy định đơn thuần về mặt nghiệp vụ kỹ thuật.

Là ngành kinh tế- kỹ thuật, năng lực điều hành của điều độ trực tiếp ảnh hưởng đến chi phí và giá thành vận tải nhưng nhiều năm nay, việc phân tích đánh giá không được coi trọng. Tổ phân tích Biểu đồ chạy tàu, đơn thuần chỉ đánh giá về tính hợp lý của “đường chì”, chưa đi sâu phân tích hiệu quả kinh tế của việc điều hành chạy tàu.

Trung tâm điều hành giao thông TP HCM
Trung tâm điều hành giao thông TP HCM  

Điều hành GTVT đường sắt: làm “ruộng”, mà không có “trâu”

Hiện nay, các công ty kinh doanh vận tải phải trích nộp cho chi phí điều hành (ga, điều độ), chi phí quản lý cấp trên, chi phí sức kéo khoảng 56% doanh thu. Khi Tổng công ty tự ban hành tỷ lệ này, lại trực tiếp nắm công tác điều hành chạy tàu và sức kéo thì 2 công ty vận tải “kêu” cũng là điều dễ hiểu. Càng dễ hiểu hơn là tại sao Tổng công ty ĐSVN lại không muốn nhả 5 xí nghiệp đầu máy về cho các công ty vận tải khiến các công ty đang lâm vào tình trạng “làm ruộng, mà không có trâu”.

Theo Luật đường sắt được áp dụng từ ngày 1/7/2018, Điều 67 “Giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt” quy định: 1. Giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt là khoản tiền phải trả khi sử dụng dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt để chạy tàu trong ga, trên tuyến hoặc khu đoạn đường sắt. 2. Thẩm quyền định giá được quy định như sau: a) Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư; b) Tổ chức, cá nhân quyết định giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do mình đầu tư” thì điều này may ra mới được chấm dứt.

Lúc đó, các công ty kinh doanh vận tải sẽ ký các hợp đồng kinh tế với Trung tâm điều hành vận tải và các chi nhánh khai thác vận tải về “Giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt”. Một bước đột phá lớn trong đường sắt khi điều này được bắt đầu, trong đó số hóa công tác điều hành chạy tàu để nâng cao hiệu quả khai thác và bảo đảm an toàn là điều bắt buộc.

Hiện đại hóa điều hành vận tải

Trước đây, quy định tiêu chuẩn điều độ chỉ huy chạy tàu khá cao, phải làm ít nhất 10 năm kinh nghiệm tại các ga lớn hiện trường mới được rút về Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn. Ông Vương Đình Khánh, Tổng giám đốc Xí nghiệp liên hợp vận tải đường sắt khu vực 1 đích thân tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp chính quy tại Đại học GTVT sắt bộ Hà Nội về rồi cho đi thực tập tại các ga lớn vài năm mới bố trí về làm công tác điều độ. Cán bộ làm điều độ chỉ huy được bố trí phòng tập thể, lương và thu nhập cao hơn các phòng ban khác 20-25% nên được công tác ở đây là niềm tự hào của bất cứ nhân viên chạy tàu nào. Họ đúng vai trò “thay mặt Tổng giám đốc điều hành công tác chỉ huy chạy tàu” nên khi lên ban có quyền yêu cầu giám đốc các đơn vị trực thuộc chấp hành mệnh lệnh.

Hiện nay, hầu như Trung tâm điều hành vận tải không còn tuyển chọn được các trực ban chạy tàu ga lớn về Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn làm việc. Anh em có gia đình không muốn xa nhà, thu nhập không tăng, lại không có chỗ ăn, ở như trước kia. Khá nhiều điều độ viên xuất thân từ các chức danh dồn, ghi, kiểm tu về làm chỉ huy chạy tàu.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp tháo gỡ vướng mắc “Dự án hiện đại hóa Trung tâm điều hành vận tải đường sắt”
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp tháo gỡ vướng mắc “Dự án hiện đại hóa
Trung tâm điều hành vận tải đường sắt” 

Bên cạnh đó, việc 15 năm có đến 6 lần thay đổi mô hình tổ chức nên dự án hiện đại hóa Trung tâm điều hành vận tải gặp nhiều khó khăn. Dự án hiện đại hóa trung tâm điều hành vận tải đường sắt (OCC), được Tổng công ty Đường sắt VN theo ủy quyền của Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 254 tỷ đồng. Hiệp định vốn vay của dự án đã được ký kết từ cuối năm 2006 giữa nhà tài trợ KfW (CHLB Đức), Bộ Tài chính và Tổng công ty Đường sắt VN.

Theo báo cáo của Ban QLDA Đường sắt về tình hình thực hiện đến nay, DA đã hoàn thành khoảng 95% công tác lắp đặt thiết bị phần cứng tại hiện trường và nâng cấp, cải tạo phòng đặt thiết bị. Cụ thể, DA đã hoàn thành nâng cấp, cải tạo phòng đặt thiết bị tại Trung tâm điều hành vận tải Quốc gia (NOCC) và các Phòng điều hành vận tải khu vực (ROCC); hoàn thành công tác chuyển giao phần mềm tiêu chuẩn; hoàn thành lắp đặt thiết bị đào tạo mô phỏng tại NOCC. Cùng với đó đã lắp đặt: hệ thống mạng 12 máy chủ, cơ sở dữ liệu; 139/145 trạm làm việc; 8/8 hệ thống thông tin hành khách; hệ thống thiết bị trên tàu cho 274 đầu máy. Nhà thầu đã thực hiện xong việc chuyển giao và cài đặt hệ thống phần mềm tiêu chuẩn, khởi tạo cơ sở dữ liệu cho gói phần mềm số 1 theo các số liệu do Tổng công ty ĐSVN cung cấp; đào tạo xong người dùng cao cấp cho gói phần mềm số 1…Tuy nhiên, chậm tiến độ trong việc triển khai gói phần mềm số 1 để triển khai gói phần mềm sau, đào tạo cho người sử dụng và giải quyết và điều chỉnh thủ tục DA.

Với đường sắt các nước tiên tiến, người ta chú trọng tuyển chọn nhân viên giỏi làm điều độ, hệ thống chỉ huy chạy tàu được hiện đại hóa, nhân viên điều độ chỉ huy tập trung, trực tiếp thao tác điều hành tránh, vượt, dồn dịch tại các ga. Điều này ngoài việc tăng an toàn chạy tàu cho phép tăng hiệu quả khai thác trang thiết bị, phương tiện đầu máy, toa xe. Đã đến lúc Bộ GTVT phải quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo các bên liên quan thực hiện dự án này.