|
ể đầu tư sản xuất ô tô, cần có vốn, đội ngũ kỹ sư, đội ngũ quản lý và công nhân có kỹ năng... nhưng tất cả vẫn phụ thuộc vào chính sách, đặc biệt là chính sách tài chính, ngân hàng. |
Từ quyết tâm sản xuất xe Việt
Sau nhiều lần gửi tâm thư lên Thủ tướng kêu cứu về tình cảnh khốn đốn của mình, lần này, ông chủ Công ty CP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) đã nản và chỉ biết kêu than.
Tổng giám đốc Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên một lần nữa khẳng định, công nghiệp ô tô Việt Nam đến nay chủ yếu vẫn là lắp ráp, sản xuất rất ít.
Các DN chỉ chú trọng đầu tư vào lắp ráp và sản xuất các chi tiết thông thường như thùng xe tải, thùng xe khách, ghế ngồi, kính... không cần vốn lớn. Còn đâu, họ lắp ráp toàn xe thương hiệu nước ngoài. Tiêu thụ mạnh và có lợi nhuận cao, cách làm này lại được sự ủng hộ của các nhà băng, được cơ quan thuế khen ngợi nên hưởng rất nhiều ưu đãi.
Giai đoạn từ 2006 đến đầu năm 2009 là rõ. Khi ấy, ông Huyên nói rằng Vinaxuki chỉ nhập linh kiện về lắp ráp ô tô, sản xuất một số chủng loại thùng xe tải, không đòi hỏi công nghệ cao, thì lợi nhuận rất cao. Năm thấp nhất cũng lãi 90 tỷ đồng, năm cao nhất lãi tới 160 tỷ đồng. Đến 2009 đã thu hồi được toàn bộ vốn đầu tư giai đoạn này.
Tuy nhiên, ông quan điểm nếu muốn bắt kịp các nước trong khu vực thì không thể làm như vậy. Bởi về lâu dài, lắp ráp sẽ phụ thuộc vào nước ngoài. Đến năm 2018, nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, xe không xuất khẩu được thì nguy cơ đóng cửa cao và ngành công nghiệp ô tô không có gì, ông Huyên nói.
Vì thế, nhờ các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển của Chính phủ như: Chương trình cơ khí trọng điểm, đầu tư công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ,... Vinaxuki tự tin đầu tư cho dự án lớn: Sản xuất ô tô, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Hơn 600 tỷ đồng từ vốn vay và lợi nhuận tích lũy được Vinaxuki rót vào luyện kim, đúc phôi, sản xuất khuôn mẫu, cùng các thiết bị tự động cho dây chuyền dập, cắt plasma, cắt laser, sơn tự động bằng robot...
Theo tính toán, dự án này hoàn thành và đi vào sản xuất, đến 2018, sản phẩm của Vinaxuki sẽ có cơ hội cạnh tranh ở các dòng xe tải nhỏ dưới 5 tấn, xe con thông thường dùng cho đi lại cá nhân và taxi, xe khách dưới 28 chỗ dùng cho giao thông công cộng.
Trên thực tế, dù chưa đầu tư xong, đến nay Vinaxuki đã tự sản xuất được thân vỏ xe con, satxi xe tải, cabin xe tải...
Đến bán sắt vụn nuôi quân
Tuy nhiên, ông Huyên cho hay Vinaxuki đầu tư nhiều mà không nhận được sự ưu đãi, hỗ trợ, như các chính sách đã ban hành, dẫn đến khó khăn. Để sản xuất ô tô DN chỉ có thể bỏ ra 50-60% số vốn, còn lại phải vay ngân hàng. Tiền cho việc nghiên cứu phát triển, thuê chuyên gia lắp đặt, chế thử cũng chiếm từ 20- 30% tổng chi phí của dự án. Sau khi ra sản phẩm, phải thực hiện chiến lược marketing từ 1-5 năm mới bán được hàng. Song các ngân hàng thương mại, trước năm 2012 chỉ cho vay chủ yếu vốn ngắn hạn một năm. Nếu không trả đúng hạn phạt 150%. Với DN tư nhân, được vay nhiều nhất là 50% tổng vốn dự án.
Năm 2009, Vinaxuki vay được 220 tỷ đồng vốn kích cầu sản xuất từ Ngân hàng Ngoại thương (VCB), thời hạn 3 năm, lãi suất năm 2009 là 6%, năm 2010 là 15%, năm 2011 là 17%. Khoản vay này dự kiến sẽ dùng 250 tỷ vốn vay dài hạn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thay thế. Nhưng khi xin vay, VDB cho rằng dự án đã vay của Ngân hàng Ngoại thương, nên không cho vay, chỉ cho vay dự án mới. Hậu quả cuối năm 2012, Vinaxuki nợ quá hạn VCB. Theo quy định, khi đã nợ quá hạn một ngân hàng, thì cũng không thể được vay ở ngân hàng khác.
Từ đó đến nay, Vinaxuki không thể vay được vốn ở đâu, dù chỉ là vốn lưu động. Tiếp đó, một dự án sản xuất linh kiện ô tô (nằm trong gói dự án đẩy mạnh sản xuất ô tô, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa) được Chính phủ đồng ý cho vay ưu đãi theo Chương trình cơ khí trọng điểm với số vốn 250 tỷ đồng từ VDB, đến nay cũng chưa nhận được đồng nào.
Thiếu vốn làm cho dự án của Vinaxuki bị đình trệ kéo dài và mất cơ hội. Năm 2012 Vinaxuki lỗ 45 tỷ đồng và gặp rất nhiều khó khăn từ đó đến nay. Gần 3 năm nay để trả lương cho người lao động, Vinaxuki đã phải nhặt nhạnh bán hơn 5.000 tấn sắt vụn, cùng một số máy móc cũ. Số lao động của Vinaxuki trước đây hơn 1.000 người nay giảm xuống còn 300, trong đó có nhiều lao động tay nghề cao, được đào tạo rất tốn kém, buộc phải nghỉ vì không có việc làm.
Bây giờ muốn bán nhà máy cũng không có ai mua. Lý do các nhà đầu tư còn phải chờ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam; chờ quy mô thị trường ô tô Việt Nam tăng; hoặc đã đầu tư sản xuất ở ASEAN, thấy không cần đầu tư, chỉ cần mang phụ tùng sang lắp ráp và nhập xe nguyên chiếc bán... - ông Huyên than thở.
Kết cục, từ đi đầu trong đẩy mạnh nội địa hóa nay Vinaxuki rơi vào thảm cảnh, trong khi các DN lắp ráp ô tô lại sống khỏe.
Theo VNN